Giáo dục

Đề nghị đặc cách cho nam sinh 10 năm cõng bạn: Những hệ lụy cần xem xét

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Mặc dù em Ngô Minh Hiếu, nam sinh cõng bạn 10 năm đến trường đã lựa chọn học tại Đại học Y Dược Thái Bình, nhưng vẫn có luồng ý kiến cho rằng, nên đặc cách cho em được học tại Trường Đại học Y Hà Nội. Theo chuyên gia, cần xem xét những hệ lụy từ đề nghị đó.

“Nếu được đặc cách em cũng từ chối”

Em Ngô Minh Hiếu (Trường THPT Triệu Sơn 5, Thanh Hóa) suốt 10 năm cõng bạn đến trường đã trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng về lòng tốt, sự tử tế trong cuộc sống.

Câu chuyện về nam sinh 10 năm cõng bạn đến trường đã truyền cảm hứng về sự tốt đẹp, tử tế trong cuộc sống.

Câu chuyện về nam sinh 10 năm cõng bạn đến trường đã truyền cảm hứng về sự tốt đẹp, tử tế trong cuộc sống.

Đáng tiếc, mơ ước vào Trường Đại học Y Hà Nội của Hiếu đã trở thành dở dang, khi với số điểm 9,4 điểm Toán, 9,75 điểm môn Hóa và 9 điểm môn Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa qua, Hiếu đã thiếu mất 0,25 điểm để đậu vào trường.

Ngay lập tức, có một làn sóng dư luận mong Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Y Hà Nội đặc cách cho Hiếu với mong muốn, Hiếu sẽ trở thành một thầy thuốc hội tụ đủ cả Tâm và Tài, giúp ích được nhiều cho rất nhiều người bệnh.

Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí về trường hợp này, GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, mọi người nên động viên gia đình cùng nam sinh Ngô Minh Hiếu "chấp nhận kết quả, tuân thủ theo đúng quy chế tuyển sinh và không nên mong chờ một sự ưu tiên cá biệt cho mình".

Bởi vì, cho dù Minh Hiếu đã làm một việc rất tốt, được cộng đồng xã hội đánh giá cao nhưng khoảng cách 0,25 điểm là khoảng cách của hàng chục thí sinh.

Sau này, nếu Minh Hiếu thực sự giỏi, có chí vẫn có thể trở thành một thầy thuốc có tâm, giỏi, cống hiến cho xã hội.

Minh Hiếu hoàn toàn có thể thi để học bác sĩ nội trú của Đại học Y Hà Nội. Không nên cố gắng để tìm sự ưu tiên cho một cá nhân nhất là với tuổi trẻ, mới bước vào đời.

Còn theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD&ĐT công bố trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không có quy định xét cho những trường hợp đặc biệt như Ngô Văn Hiếu.

Trong trường hợp Bộ GD&ĐT thấy thí sinh này đặc biệt, xứng đáng được đặc cách thì đưa ra chủ trương, trường sẽ họp bàn về chuyện này.

Mới đây, em Ngô Minh Hiếu đã có trả lời liên quan đến việc được dư luận ủng hộ em được xét đặc cách vào Trường Đại học Y Hà Nội.

Hiếu chia sẻ: “Em rất xúc động và cảm ơn tất cả mọi người. Đặc biệt là cám ơn các thầy cô giáo đã âm thầm lo lắng cho em và có ý định gọi ra Trường Đại học Y Hà Nội để xem có cách nào giúp em. Nhưng dù Trường Đại học Y Hà Nội có đặc cách, em cũng xin từ chối”.

Hiếu cho biết, mình thiếu 0,25 điểm, nhưng có nhiều bạn lại chỉ thiếu 0,05 điểm, nếu ai cũng đưa những lý do như mình để xem xét thì sẽ trở thành một câu chuyện xin - cho và sẽ làm mất đi truyền thống của nhà trường. 

Được đặc cách chỉ vì dư luận ủng hộ sẽ nhiều áp lực

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về việc có nên ủng hộ việc nam sinh cõng bạn 10 năm được đặc cách vào Trường Đại học Y Hà Nội hay không, TS Trần Thanh Nam, chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, mặc dù những tấm gương như của em Hiếu rất cần nhân lên trong cộng đồng, tuy nhiên, khi đề nghị đặc cách cho em Ngô Minh Hiếu vào trường thì cần phải nghĩ tới rất là nhiều những hệ lụy.

Đầu tiên, đó là quy chế bao giờ cũng đảm bảo sự công bằng cho số đông. Số điểm 0,25 ấy tuy nhỏ, nhưng khi hạ, có thể có rất nhiều em cùng ở mức này, và cũng không thể cho rằng, những em này không có những hành động đẹp.

Ngoài ra, liên quan đến điểm chuẩn cũng là ngưỡng đảm bảo chất lượng, uy tín của nhà trường, không có tiền lệ. Nếu không, lại sẽ có những trường hợp khác, với những hoàn cảnh khác, tạo ra những biến động.

Đặc biệt, là với bản thân em Hiếu. Giả sử, nếu Hiếu được đặc cách vào trường thì có chịu sự chú ý quá mức không? Sự chú ý có thể là tích cực, nhưng bên cạnh đó, cũng có thể là tiêu cực, tạo cho Hiếu những áp lực với những gánh nặng và áp lực.

Sau này, có thể Hiếu có những cố gắng, nhưng mọi người liệu có hiểu đó là cố gắng của bạn ấy hay không, hay là lại cho rằng đó là do sự may mắn, được tạo điều kiện, ưu tiên?

“Với một người có lòng tự trọng cao, việc tự dưng được “ban tặng” họ cũng sẽ không thích. Việc Hiếu buồn do không đủ điểm để vào trường khác với việc vì thế để được dư luận cho vào trường. Nếu được đặc cách vì 10 năm cõng bạn đến lớp chứ không phải do năng lực thì tôi tin Hiếu sẽ không thích, không mong muốn điều đó”, ông Nam nói.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, khi đề nghị đặc cách cho Hiếu được vào Đại học Y Hà Nội, là mới chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt là Hiếu được vào trường. Trong khi đó, điều quan trọng, là kết quả sẽ đạt ở thời gian sau này, chứ không phải ở thời gian hiện tại.

Giờ đặt tình huống thử viết tiếp câu chuyện 20 năm nữa của Hiếu, mặc dù không vào được trường Đại học Y Hà Nội nhưng sau khi tốt nghiệp ở Đại học Y Dược Thái Bình, bạn đã tốt nghiệp, trở thành một BS giỏi, có nhiều cống hiến… Đó là một câu chuyện rất hay, rất đẹp, chứ không phải nhất thiết vào được Đại học Y Hà Nội hôm nay.

PGS.TS Hoàng Năng Trọng, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho hay, nhà trường sẽ miễn toàn bộ học phí cho em Minh Hiếu trong suốt thời gian học tập tại trường. Ngoài ra, những hình thức hỗ trợ khác sẽ được nhà trường xem xét sau khi Hiếu nhập trường.

Với trường hợp em Nguyễn Tất Minh, bạn của Hiếu, Bệnh viện Bạch Mai đã sẵn sàng thăm khám và hỗ trợ điều trị sức khỏe và hỗ trợ em về y tế trong thời gian học đại học.

Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho biết, nhà trường sẵn sàng hỗ trợ học phí, có cơ chế học bổng cũng như chỗ ở cho Minh và người nhà trong suốt quá trình học tập. Nếu Minh đi được xe lăn, có thể trước mắt, nhà trường sẽ hỗ trợ xe lăn để em tiện đi lại.

Mai Loan