NHÌN THẲNG

ĐBQH: Bộ Tài chính “gác cửa” chưa nghiêm?

  • Tác giả : Mai Loan
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc “gác cửa” chưa nghiêm, trong khi kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn là căn bệnh trầm kha.
Kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn là “căn bệnh” trầm kha
Sáng 9/1, tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về: Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
DBQH: Bo Tai chinh “gac cua” chua nghiem?
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính sáng 9/1. Ảnh: QH.
Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc điều chuyển nguồn chi thường xuyên để thực hiện chi đầu tư phát triển nhưng các dự án của Bộ Tài chính không có trong danh mục đầu tư công trung hạn mà phải sử dụng nguồn chi thường xuyên cho chi đầu tư phát triển.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng băn khoăn, liệu việc điều chỉnh lần này đã đủ tiền để thực hiện chi các dự án đó và các năm sau lại tiến hành điều chỉnh tiếp, đây có phải là hiện tượng lách luật? Nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc “gác cửa” chưa nghiêm, trong khi kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn là căn bệnh trầm kha đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được.
Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm, báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của tình trạng này.
Lập dự toán không chuẩn
Phát biểu về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu nguyên nhân có những địa phương vay dư vốn, phải trả lại, còn có những địa phương vay thiếu vốn.
Đại biểu cho rằng, cần phân tích nguyên nhân lập dự toán không chuẩn, để có thể rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khả thi, hữu hiệu cho tình trạng đầu tư cho vay, vay lại, trả lại vốn của các địa phương.
DBQH: Bo Tai chinh “gac cua” chua nghiem?-Hinh-2
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: QH.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, việc điều chỉnh và bổ sung kế hoạch vốn vay lại năm 2022 là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về thời gian giải ngân điều chỉnh vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ “Trường hợp được Quốc hội cho phép, đề nghị Chính phủ rà soát khẩn trương triển khai thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả và khả năng giải ngân trong thời gian chỉnh lý ngân sách năm 2022 đúng quy định của pháp luật”. Thời gian chỉnh lý ngân sách hằng năm theo Thông tư số 85/2017 của Bộ Tài chính quy định kết thúc vào 31/1 năm sau.
Như vậy, theo đại biểu, nếu hôm nay Quốc hội thông qua nghị quyết này thì chỉ còn 22 ngày nữa là đến 31/1/2023, các địa phương chỉ còn 9 ngày nữa để giải ngân hết toàn bộ số vốn được điểu chỉnh tăng dự toán, điều này là khó khả thi. Nếu không kịp thì mục tiêu của việc điều chỉnh là tạo điều kiện cho các địa phương sẽ không còn ý nghĩa.
Bị động trong việc lập dự toán

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề điều chỉnh dự toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nếu đưa sang năm 2023 thì sẽ ảnh hưởng bội chi. Vừa qua, có một số tỉnh triển khai không hết nguồn vốn, phải trả lại, một số tỉnh thiếu, cần thêm nguồn vốn. Bộ Tài chính đã tổng hợp dữ liệu từ các tỉnh để đề xuất có sự điều chỉnh phù hợp, trình Quốc hội xem xét, quyết định, đảm bảo sự phát triển cân bằng, bền vững của các tỉnh, địa phương trên cả nước.

Trả lời câu hỏi về việc phân bổ dự toán là có sự ưu ái đối với ngành hải quan, ngành thuế hay không, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chế độ đặc thù của các bộ, ban ngành sẽ thay đổi theo chính sách tiền lương mới, nên việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan không phải là sự thiên vị.

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ chú trọng đảm bảo cơ sở vật chất để hiện đại hóa cơ sở vật chất, đảm bảo ngành thuế, ngành hải quan; với những cơ sở vật chất thừa, không sử dụng đến, hai ngành này sẽ trả về địa phương để bố trí cho các cơ quan hành chính của địa phương.

Mời quý độc giả xem video: "Những chia sẻ đầu tiên của tân Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bên hàng lang Quốc hội". Nguồn: Kiến thức.

Mai Loan