Giáo dục

Dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện: Kiến thức không đánh đố, không phải học thêm

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Liên quan đến việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo ý kiến các giáo viên, chuyên gia, điều quan trọng hơn là làm sao để học trên lớp đã đủ đi thi đạt điểm tốt rồi.

Cần thay đổi hệ thống kiểm tra, đánh giá

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Theo Bộ GD&ĐT, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Mục đích của việc đề xuất cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động này.

Khi được đưa vào luật, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với việc thực hiện dạy thêm, học thêm trái quy định.

Trao đổi với PV KH&ĐS về vấn đề này, cô giáo Đặng Liễu, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội cho biết, cô ủng hộ đề xuất này của Bộ GD&ĐT. Bởi hiện nay, tình trạng dạy thêm, học thêm đang diễn ra tràn lan, và việc xử lý có sự thiếu công bằng giữa các địa phương, trong đó có địa phương làm cấm rất ngặt nghèo, siết chặt, có địa phương lại thả nổi.

Tuy nhiên, điều quan trọng, để hạn chế tình trạng này, thì điều quan trọng lại nằm ở sự thay đổi hệ thống đánh giá, thi cử và chương trình.

Cô Liễu đưa ra ví dụ, đối với môn Văn, ở phần nghị luận văn học, đề bài yêu cầu học sinh phân tích kỹ, phân tích sâu một nội dung, vấn đề nào đó của tác phẩm, trong khi câu hỏi hướng dẫn trong sách giáo khoa hay thời lượng dạy học ở trên lớp chỉ ở mức cơ bản, thì học trò muốn được điểm tốt đương nhiên phải đi học thêm.

Hoặc phần Đọc hiểu, văn bản trong đề thi thường là những nội dung thời sự, gắn với đời sống hiện đại, trong khi đó, văn bản trong chương trình nếu có lại không cập nhật được điều đó, đã “cũ” so với cuộc sống hiện tại. Tức là hệ thống chương trình không cập nhật với sự thay đổi với thực tế đời sống.

Với những giáo viên sáng tạo, tự lồng ghép những kiến thức mang “hơi thở cuộc sống” vào bài giảng trên lớp, các em học sinh sẽ không bỡ ngỡ với các đề thi. Còn nếu không, muốn được điểm tốt, lại phải đi học thêm.

Ngoài ra, còn xuất phát từ chính học sinh. Với những học sinh có khả năng tự học và lĩnh hội tốt, những kiến thức cô giáo dạy ở lớp các em đã nắm bắt được ngay rồi, sau đó về nhà tự mở rộng, đào sâu, nghiền ngẫm. Nhưng với những học sinh không có khả năng tự học tốt, thậm chí với những học sinh ở vùng “trũng”, sẽ dễ dẫn tới việc cần có giáo viên hướng dẫn, phải đi học thêm thì mới đáp ứng được yêu cầu kiến thức để đi thi.

Cho nên tôi, để hạn chế việc học thêm dạy thêm tràn lan, thì cái gốc là cần có sự thay đổi đồng bộ giữa việc kiểm tra đánh giá và đổi mới chương trình, nếu không, mọi giải pháp cũng chỉ là phần ngọn.

Chương trình đại trà chỉ cần đảm bảo kiến thức cơ bản

Trao đổi với PV KH&ĐS, TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam cho biết, học thêm là một nhu cầu của xã hội và giáo viên ngoài giờ lên lớp có quyền dạy thêm.

Tuy nhiên, việc dạy thêm hiện nay vẫn có tình trạng dạy chui, dẫn tới nhiều biến tướng không lành mạnh. Cho nên, việc đưa dạy thêm vào nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để sự kiểm soát được tốt hơn.

Còn vì sao lại có tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, là một vấn đề cần phải đặt câu hỏi để truy nguyên nhân từ cái “gốc”.

Ông Khuyến chia sẻ, có một số bài tập trong sách lớp 5 – 6 của cháu ông không làm được, kiến thức như thể “đánh đố” học sinh.

Theo ông Khuyến, vừa rồi do dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ tới tận 3 tháng, vậy mà tới giờ cũng vẫn ổn. Bởi vì chương trình buộc phải tinh giản. Tuy nhiên từ đó làm lộ ra một điều, chương trình có nhiều cái rườm rà và có thể tinh giản được.

Cho nên, vấn đề quan trọng đặt ra là cần phải tinh giản chương trình. Và chương trình đại trà thì chỉ cần đảm bảo ở yêu cầu cơ bản. Ví dụ, đối với môn Ngữ văn, không phải dạy ở mức độ yêu cầu các em phải viết hay như những nhà văn, nhà phê bình văn học tương lai, mà chỉ cần các em đạt được các chuẩn cơ bản nhất định.

Với môn Toán cũng vậy, nếu các em không định trở thành nhà Toán học và những ngành nghề liên quan sâu tới Toán, thì cũng không cần đòi hỏi quá cao, với các kiến thức nâng cao, dành cho học sinh chuyên.

Còn với những lớp năng khiếu đặc biệt, có đầu tư cao về cơ sở vật chất thì có thể để cho các trường ngoài công lập thực hiện, có thể thu học phí cao.

Cái cốt lõi vẫn là phải xem xét lại chương trình. Giáo dục của chúng ta hiện nay đang mắc phải lỗi, từ dạy học cho tới thi cử đánh giá là cứ “dàn hàng ngang”, áp đặt chỉ một chương trình. Chứ không phải chương trình thích hợp, có phần chung nhưng có phần riêng, phù hợp với năng lực từng đứa trẻ. Điều đó sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó có tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan.

box: 

TS Lê Viết Khuyến chia sẻ, nhà bác học Anh-xtanh có những suy nghĩ rất sâu về giáo dục về tiếp cận nội dung. Theo đó, không thể đánh giá đồng loạt học sinh theo kiểu thi xem ai giỏi nhất bằng cách bắt một con cá leo cây giống như con khỉ. Bởi sở trường của con cá là bơi lội, chứ không phải leo cây. Và điều tai hại nhất là khi “bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”. Cho nên, rất cần sự thay đổi, từ đó tránh việc học thêm, dạy thêm tràn lan như hiện nay.

Mai Nguyễn