Chuột rút cũng hay gặp ở người ăn uống thiếu bổ dưỡng, nhất là thiếu điện giải (canxi, kali, magie, natri). Có thể nói mọi nguyên nhân dẫn đến khí huyết nuôi dưỡng cơ bắp kém đều có thể gây chuột rút.
Ngoài ra, bệnh chứng chuột rút có liên quan đến giãn tĩnh mạch. Các triệu chứng lâm sàng cho thấy, bệnh chuột rút là do số lượng và chất lượng máu nuôi dưỡng đến các tổ chức cơ ở chi bị thiếu. Giãn tĩnh mạch cũng là tình trạng chức năng của mạch máu suy giảm, máu kém lưu thông dẫn đến tê bì, nhức mỏi chi. Vậy nên phòng trị giãn tĩnh mạch cũng phòng trị được chuột rút.
Khi bị chuột rút, thường thấy cả khối cơ bị co lại, lồi lên, ấn thấy cứng và rất đau, bàn chân không co duỗi được, các ngón chân quặp lại, chúng ta có thể làm một số thao tác xoa bóp để giảm cơ, cơ bớt đau cụ thể như sau: Xoa bóp day vuốt vùng cơ bị đau, làm vùng da ấm lên (thao tác phải nhẹ nhàng từ vùng cơ xung quanh vùng đau) có thể xoa dầu ấm hoặc chườm ấm và nên day ấn một số huyệt sau đây.
Thừa sơn: Ở dưới bắp chân, chỗ hõm, chỗ gặp nhau của hai bờ dưới cơ sinh đôi. Tác dụng thư cân, lương huyết, thông kinh lạc, phòng trị chuột rút, đau thần kinh tọa.
Huyết hải: Bờ trên xương bánh chè đo lên 1 thốn, đo vào trong hai thốn. Tác dụng điều huyết thông huyết, tuyên thông hạ tiêu.
Dương lăng tuyền: Chỗ hõm dưới trước đầu trên xương mác. Tác dụng thư gân, mạnh gân cốt, đuổi phong tà ở chân.
Ủy trung: Trung điểm nếp kheo 2 chân, mỗi huyệt tác động vài phút.
Cách phòng chuột rút tốt nhất nên ăn uống đủ dưỡng chất, nhất là các thực phẩm giàu canxi, kali, magie, natri… Khi tập thể dục thể thao phải khởi động kỹ. Khi vận động ngoài nắng nóng nhớ uống đủ nước. Khi đi bơi tránh tiếp xúc với nước lạnh đột ngột… Đêm ngủ nên giữ ấm cơ thể, tránh quạt lạnh vào hai chân.
Lương y Minh Phúc (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Vũng Tàu)