Xung quanh nội dung trên, PV Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, ĐBQH khóa XII, XIII.
Ông Lê Như Tiến. |
Có sự buông lỏng quản lý
Hà Nội có hơn 800 dự án có biểu hiện gây lãng phí, thất thoát và mới xử lý 3 dự án đã thu về hơn 42.000 tỷ đồng. Nguyên nhân gây nên thực trạng này do Sở, ngành Hà Nội đã buông lỏng trong công tác quản lý và sử dụng đất công, nên chủ đầu tư muốn “chây ì” bao lâu thoả thích?
Ông Lê Như Tiến: Đúng là như vậy. Theo tôi, không chỉ Hà Nội mà rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng có tình trạng tương tự. Các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương đã buông lỏng quản lý. Trước kia, trên diễn đàn Quốc hội ở các nhiệm kỳ khóa XII, XIII, tôi cũng đã phát biểu vấn đề buông lỏng quản lý đất đai, công sản là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng tham nhũng, lãng phí. Vì buông lỏng quản lý đất đai, công sản, không có quản lý sâu sát, không có thanh tra, kiểm tra cặn kẽ, xử lý kịp thời, dẫn đến các chủ đầu tư tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm. Và bao nhiêu đất đai, tài nguyên của đất nước đã bị thất thoát lãng phí. Có những dự án treo xuyên thế kỷ mà vẫn chưa được xử lý, đó chính là lãng phí nguồn lực rất lớn của đất nước.
Tôi cho rằng, khi Tổng Bí thư đã chỉ ra thực trạng và có ý kiến như trên, đó là tiếng chuông cảnh báo thì các Sở, ban ngành của TP Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước phải vào cuộc một cách ráo riết để rà soát lại tất cả các dự án đang gây thất thoát, lãng phí.
Khu đất 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân bị đánh giá vi phạm góp vốn trái quy định. Ảnh Markettimes |
Các dự án “đất vàng” phơi sương từ nhiều năm tới hàng chục năm, như: Khu 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) của Chủ đầu tư Công ty Thiên Bình; Tòa nhà 31 tầng, rộng gần 8.500 m2 của Tổng công ty xi măng Việt Nam (VICEM); Khu đất gần 4.000 m2 ở số 161 Yên Phụ và đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ) của Tập đoàn Tân Hoàng Minh… Lý do gì UBND Hà Nội không thu hồi đất, có “sự nâng đỡ” không trong sáng?
Ông Lê Như Tiến: Có một thực tế xảy ra thời gian qua cũng là nguyên nhân chính là một số quan chức, chính quyền bảo kê cho các doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp là “sân sau” của một số quan chức như trong vụ án Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh. Cho thấy, có nhiều dự án được các cấp chính quyền, thậm chí cả các cán bộ cấp cao bảo kê, bao che để doanh nghiệp tự tung, tự tác, vi phạm pháp luật và bất chấp pháp luật.
Một số dự án BĐS còn ở tình trạng chủ đầu tư dự án không chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư, cố ý sử dụng đất sai mục đích… Điều này cho thấy có một sự lãng phí, thất thoát ngân sách của Thủ Đô không hề nhỏ?
Ông Lê Như Tiến: Thời gian qua, cơ quan chức năng, cơ quan thanh tra đã chỉ ra một số dự án BĐS ở Hà Nội và một số địa phương có tình trạng chủ đầu tư dự án không chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư, cố ý sử dụng đất sai mục đích… Lẽ ra nếu như các dự án có dấu hiệu lãng phí cần phải có giải pháp kịp thời. Luật Đất đai đã quy định rất rõ việc các dự án có dấu hiệu lãng phí đất đai, sử dụng không đúng mục đích, sau một thời gian nhất định, cơ quan chức năng có quyền đình chỉ dự án, thu hồi đất. Đó là thẩm quyền nhưng tại sao không làm? UBND cấp nào cấp đất thì có quyền thu hồi đất, cơ quan nào cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép dự án có quyền thu hồi dự án, thu hồi giấy phép kinh doanh. Phải chăng không làm vì có gì đó đằng sau?
Tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sáng ngày 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lãng phí, cho biết riêng tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành phố qua rà soát ban đầu đã phát hiện hơn 800 dự án có biểu hiện gây lãng phí, thất thoát.
Tổng Bí thư nói: “Vừa qua mới xử lý 3 dự án đã thu về hơn 42.000 tỷ đồng. Ví dụ này cho thấy mức lãng phí ghê gớm và yêu cầu bức thiết phải xử lý hành vi lãng phí. Thực trạng đất vàng để hoang hàng chục năm phải kiên quyết xử lý và dứt khoát phải có người chịu trách nhiệm cho việc đó”.
Cần có người phải chịu trách nhiệm, phải xử lý
Ở diễn biến khác, vào tháng 11 vừa qua, UBND TP Hà Nội có văn bản giao Thanh tra TP Hà Nội tổ chức thanh tra Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc (huyện Thạch Thất) do Sở KH-CN làm chủ đầu tư, gần 600 tỷ. Đến nay, dự án chưa hoàn thành, có biểu hiện của lãng phí?
Ông Lê Như Tiến: Dự án này được giao cho Sở KH&CN Hà Nội làm chủ đầu tư, với diện tích đất được giao vào năm 2012 là gần 2,1 ha, tổng mức đầu tư gần 600 tỉ đồng. Trung tâm công nghệ được khánh thành và là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI vào tháng 10/2015. Tuy nhiên, đến nay, các thiết bị thuộc trung tâm công nghệ hầu hết đều đã xuống cấp, hiện trạng không thể sử dụng được nếu không thực hiện công tác bảo trì sửa chữa, trong đó có những thiết bị có giá trị lớn. Ngay Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng khẳng định có biểu hiện của lãng phí. Do đó, người đứng đầu chính quyền thành phố đã giao Thanh tra TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thanh tra, sớm có kết luận, kiến nghị phương án xử lý, giải quyết tồn tại, vướng mắc của dự án.
Vẫn phải thừa nhận, thực trạng “đất vàng” bỏ hoang có biểu hiện “lỗi mang tính hệ thống” ở bộ máy chính quyền TP Hà Nội, tới lúc, cần chỉ rõ tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm và xử lý thích đáng theo pháp luật?
Ông Lê Như Tiến: Như Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đã nói, cần có người phải chịu trách nhiệm, phải xử lý khi để tình trạng “đất vàng” bỏ hoang, dự án có biểu hiện gây lãng phí, thất thoát. Bởi đây là nguồn lực của đất nước. Tôi thấy, xử lý cán bộ buông lỏng quản lý có quy định rất rõ trong Luật cán bộ công chức, viên chức, luật phòng chống tham nhũng. Vấn đề là chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn dù hoàn toàn có quyền làm điều đó. Ví dụ như Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội hoàn toàn có quyền kỷ luật Đảng viên của mình nếu vi phạm, gây thất thoát, lãng phí.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên!
“Điểm chỉ” đất vàng Thủ đô phơi sương và các chủ đầu tư
1. Khu 94 Lò Đúc (từng là Nhà máy rượu Hà Nội) được giao Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Thiên Bình, do ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, là đại diện pháp luật với 99% vốn. Hiện, ông Đỗ Anh Dũng đang thụ án 7 năm tù về tội “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
2. Tòa nhà 31 tầng, diện tích sàn hơn 78 nghìn m2 sát tòa nhà Keangnam Landmark 72 tầng, mặt đường Phạm Hùng hiện đã xây xong phần thô, nhưng bỏ hoang nhiều năm. Đây là Trung tâm điều hành và giao dịch của Tổng công ty xi măng Việt Nam (VICEM), xây trên lô đất rộng gần 8.500 m2.
3. Lô đất rộng gần 4000m2 với hai mặt tiền tại quận Tây Hồ, ở số 161 Yên Phụ và đường Nghi Tàm bị bỏ hoang nhiều năm. Dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
4. Khu đất rộng 13.000 m2 tại ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, vốn được quy hoạch thành Tháp tài chính quốc tế IFT. Năm 2007, Bảo Việt Nhân thọ liên danh với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lập Công ty cổ phần đầu tư SCIC - Bảo Việt với vốn điều lệ 140 tỷ đồng để thực hiện dự án. Năm 2013, dự án Tháp tài chính quốc tế IFT được cấp phép quy hoạch cao 34 tầng, công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại. Nhưng đến nay, sau 10 năm, khu đất vẫn chỉ quây tôn, bỏ hoang lãng phí.
Lô đất đắc địa 120 Hoàng Quốc Việt, 275 Nguyễn Trãi, khu đất 14.346m2 Pháp Vân nhiều sai phạm
Thanh tra Chính phủ trong kết luận thanh tra ban hành mới đây đã chỉ ra nhiều sai phạm tại 3 lô "đất vàng" nằm ở vị trí đắc địa ở Hà Nội.
Cụ thể: Một, dự án nhà ở cao tầng, văn phòng, dịch vụ tại số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, cơ quan thanh tra xác định UBND Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất thấp hơn 57,5 tỷ đồng, thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất được Bộ Công Thương phê duyệt trong giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Thép Việt Nam. Từ đó gây nguy cơ làm giảm giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách.
Hai, dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở tại số 275 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, bị đánh giá có vi phạm góp vốn trái quy định. Từ đó UBND Hà Nội thu hồi 23.380 m2 đất cơ sở sản xuất của Công ty CP Cơ khí chính xác số 1, giao cho Công ty CP Thương mại Hưng Việt theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở, không thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Công ty CP Cơ khí chính xác số 1 chuyển nhượng 3,2 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Thương mại Hưng Việt cho Công ty CP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy theo mệnh giá, không đấu giá, không thẩm định giá cổ phần. Hành vi này là trái quy định.
Ba, dự án tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại tại đường Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam góp vốn thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông. Vốn góp bằng giá trị sử dụng và thương mại của quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm. Thanh tra đánh giá việc này không đúng quy định.
Từ đó dẫn đến việc UBND Hà Nội thu hồi đất, giao đất và cho phép Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông chuyển mục đích sử dụng hơn 14.300 m2 đất để thực hiện dự án trái quy định. Việc chuyển đổi không đúng với phương án sử dụng đất được Thủ tướng phê duyệt tại phương án cổ phần hóa Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam và không đúng với nghị quyết của Quốc hội. Công ty TNHH Phương Đông sau đó đã sử dụng 312 căn hộ cho thuê ngắn hạn, bán theo hình thức sở hữu lâu dài.