Y học và đời sống

Đắp tỏi, lá me khi bị chó cắn, người đàn ông tử vong vì bệnh dại

  • Tác giả : Giang Thu
Người dân khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay với xà phòng liên tục, đến cơ sở y tế, tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ “thầy lang” chữa trị.

Theo thông tin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong vì bệnh dại trên địa bàn.

Bệnh nhân nam 49 tuổi, (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận). Vào ngày 25/1, bệnh nhân bị con chó khoảng 2 tháng tuổi do gia đình nuôi cắn 1 vết vào gót chân, gây chảy máu. Bệnh nhân xử lý vết thương bằng nước lạnh, đắp tỏi, lá me nhưng không đi tiêm vắc xin ngừa dại, không tiêm huyết thanh kháng dại. Ngày 22/3, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng tê hai bàn chân, đau đầu, đau họng, không sốt.

Đến ngày 24/3, bệnh nhân có các triệu chứng xuất hiện như mệt mỏi, khó thở, kích động, sợ nước, sợ gió, không uống được nước. Sáng 25/3, bệnh nhân đến trạm y tế trong tình trạng mệt, thở hụt hơi, huyết áp cao, mạch nhanh, được xử trí thở oxy, hạ huyết áp rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại, tăng huyết áp, sau đó chuyển đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Hồ Chí Minh. Bệnh nhân được chuẩn đoán bệnh dại, viêm cơ tim và tổn thương thận, kết quả xét nghiệm PCR nước bọt dương tính với bệnh dại. Bệnh nhân tử vong vào ngày 27/3.

Qua điều tra xác minh, con chó cắn thêm 2 người là con trai bệnh nhân và người hàng xóm. Con trai bệnh nhân đã được tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Còn người hàng xóm bị cắn, không ghi nhận có vết thương, nhưng địa phương đã tư vấn đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Các bác sĩ khuyến cáo để phòng bệnh dại cho bản thân và cộng đồng, người dân cần chủ động thực hiện các khuyến cáo như sau:

Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ cho tất cả chó, mèo và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y.

Không đùa nghịch, chọc phá chó mèo; tránh tiếp xúc với chó, mèo có biểu hiện bất thường, nhất là với trẻ em.

Hạn chế việc buôn bán, giết mổ chó, mèo để giảm nguy cơ, rủi ro tiếp xúc trực tiếp với virus dại từ chó, mèo.

Trường hợp có nguy cơ mắc bệnh dại, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và xử lý kịp thời.

Khi bị chó, mèo cắn, người dân nên xử trí theo các bước sau:

Vệ sinh và khử trùng vết thương: Rửa vết thương ngay lập tức bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, rửa vết thương bằng nước, sau đó sát trùng bằng cồn 70% hoặc thuốc sát khuẩn. Không băng kín và hạn chế làm dập vết thương.

Tiêm vắc xin phòng bệnh dại và/hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó hoặc mèo cắn. Để vắc xin phòng bệnh dại có hiệu quả cần tiêm đầy đủ trong thời gian ủ bệnh, trước khi các triệu chứng xuất hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tuyệt đối không tự điều trị bằng các biện pháp dân gian.

Giang Thu