Giáo dục

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Trên 90% lao động có việc làm sau học nghề

  • Tác giả : Hà Thu
(khoahocdoisong.vn) - Vừa qua, Đoàn khảo sát liên ngành gồm: Sở LĐ-TB&XH, Công Thương, Nội vụ, Tài Chính, NN&PTNT... đã có buổi làm việc với UBND huyện Thạch Thất về việc thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

90% lao động có việc làm

Năm 2019, toàn huyện Thạch Thất đã đào tạo nghề cho 1.100 LĐNT: 90 học viên thuộc diện chính sách người có công (NCC), 348 học viên thuộc diện dân tộc thiểu số; 21 học viên thuộc diện hộ nghèo, 6 đối tượng là người tàn tật, 87 học viên là hộ cận nghèo; 548 học viên là LĐNT khác. Trong đó: Nghề phi nông nghiệp là 16 lớp với 540 lao động, nghề nông nghiệp là 16 lớp cho 560 lao động

Đối với nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo là 461/540 học viên, chiếm 85,3%. Các đối tượng đa số đang làm việc theo các nghề đã được đào tạo như: May công nghiệp, mộc mỹ nghệ tại các cơ sở sản xuất và các công ty may trong và ngoài huyện. Kết thúc khóa học, số lao động học may công nghiệp nếu có nguyện vọng được Công ty cổ phần Thời trang phát triển cao tiếp nhận vào làm việc, số lao động còn lại đã phát huy được nghề đào tạo để mở cơ sở sản xuất tại gia đình hoặc tự làm. Đối với nghề nông nghiệp, 100% lao động có việc làm sau đào tạo, chủ yếu là tự làm tại gia đình, tập trung vào các nghề như: Kỹ thuật chăn nuôi thú y, trồng rau hữu cơ rau an toàn.

Kết quả giải quyết việc làm sau học nghề, 1.021 lao động đã có việc làm sau đào tạo, chiếm 92,8%, trong đó: Làm việc tại doanh nghiệp 112 lao động; 195 lao động được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm; tự tạo việc làm 714 lao động.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác dạy nghề cho LĐNT tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thạch Thất chưa thực sự được quan tâm, ngành nghề đào tạo chưa phong phú, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo chưa cao, số lao động có việc làm sau đào tạo chưa yên tâm gắn bó với nghề được đào tạo do thu nhập thấp...

Năm 2020, UBND huyện Thạch Thất đã đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 4.200 lao động, trong đó: Đào tạo 560 lao động từ kinh phí dạy nghề cho LĐNT theo Đề án của Quyết định 1956, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 63,9 lên 65,7% cuối năm 2020; số lao động có việc làm sau đào tạo đạt 90%; đào tạo bồi dưỡng cán bộ xã, thị trấn 800 lượt người.

Đến tháng 6/2020, các đơn vị dạy nghề đã tuyển sinh và đào tạo 1 tháng tại 23 lớp cho 805 lao động. Trong 805 lao động được đào tạo, Phòng LĐ-TB&XH đào tạo 12 lớp với 420 lao động (55 học viên thuộc diện chính sách NCC; 33 học viên thuộc diện dân tộc thiểu số; 6 học viên thuộc diện hộ nghèo; 16 đối tượng là lao động bị thu hồi đất; 1 học viên là người khuyết tật; 50 học viên là hộ cận nghèo; 259 học viên là LĐNT khác). Phòng Kinh tế đào tạo 11 lớp với 385 lao động (41 học viên thuộc diện chính sách NCC; 35 học viên dân tộc thiểu số; 8 học viên hộ nghèo; 8 đối tượng là người tàn tật; 15 học viên là hộ cận nghèo; 278 học viên là lao động nông thôn khác).

Đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát đánh giá cao kết quả Thạch Thất đã đạt được trong năm 2019 về công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Tuy nhiên, các thành viên trong đoàn cho rằng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập. Do đó, nội dung đào tạo nghề cần hướng vào thực tiễn, gắn với nhu cầu địa phương, doanh nghiệp, nhất là khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của người lao động và phải có chính sách hỗ trợ vay vốn sau học nghề, qua đó giúp người lao động áp dụng hiệu quả những kiến thức đã học để phát triển kinh tế.

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, người lao động nông thôn không chỉ được trang bị kiến thức về nghề nghiệp mà còn cần được trang bị kiến thức về thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, hội nhập quốc tế... Ngoài ra, nội dung chương trình đào tạo nghề cũng cần được thường xuyên cập nhật, đổi mới, giúp cho người học nắm bắt được nhu cầu và xu hướng phát triển của xã hội, của ngành nghề và của địa phương.

Theo kết quả điều tra dân số mới nhất, hiện TP Hà Nội có 50,8% người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Những năm tới, thành phố tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp, với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Vì thế, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Thủ đô hết sức cần thiết.

Để nâng cao hiệu quả công tác này, thời gian tới các địa phương của Hà Nội cùng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu giảm thời gian đào tạo đối với một số nghề nông nghiệp, tăng thời gian đào tạo đối với một số nghề phi nông nghiệp, nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra cho người học.

Cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa người lao động, chính quyền và doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và việc làm, giúp người học có thể nâng cao chất lượng công việc, nâng cao thu nhập sau khi tham gia các khóa đào tạo. Có như vậy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới thật sự phát huy hiệu quả.

Hà Thu