Thời sự

Đại biểu Quốc hội: Chưa nên đề xuất thưởng cho người sinh con thứ 2 lúc này

  • Tác giả : Mai Loan
Theo Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, việc thưởng cho người sinh con thứ 2 có thể đặt ra, nhưng chưa phải là thời điểm bây giờ bởi nhiều lý do.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Dân số, trong đó, đáng chú ý có việc ưu tiên thực hiện các biện pháp khuyến khích cặp vợ, chồng sinh đủ hai con ở vùng có mức sinh thấp, và mức thưởng cho người sinh con thứ hai lên tới gần 9 triệu đồng. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều những tranh luận trái chiều.

dai-bieu-truong-xuan-cu(1).jpg
Đại biểu Trương Xuân Cừ trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội ngày 29/10.

Trao đổi với PV KH&ĐS bên hành lang Quốc hội ngày 29/10 về vấn đề này, đại biểu Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội (đại biểu đoàn Hà Nội) cho rằng, ở thời điểm này, đề xuất thưởng cho người sinh con thứ 2 như trong dự thảo là hơi sớm.

Lý do là vì, tuy rằng, hiện nay chúng ta có hiện tượng chững lại về tăng dân số và già hóa dân số rất nhanh nhưng quy mô dân số của Việt Nam vẫn rất lớn so với diện tích đất nước, so với tổng sản phẩm GDP, và nhiều  vấn đề về kinh tế, xã hội liên quan chưa thích hợp cho việc này.

“Việc thưởng cho người sinh con thứ 2 như trong dự thảo có thể tính toán đặt ra nhưng chưa phải thời điểm bây giờ. Nếu có, cũng phải hết năm 2025,”, ông Cừ nói.

Theo ông Cừ, hiện nay, việc sinh con thứ hai chững nhất vẫn chủ yếu ở TPHCM và một số vùng của TP Hà Nội. Còn ở những vùng sâu, vùng xa, số phụ nữ sinh 4-5 con vẫn còn nhiều

Sau này, nếu có đặt ra vấn đề hỗ trợ hay tiền thưởng thì cũng xác định chỉ thí điểm và ở một số địa bàn nhất định, và trên cơ sở đó sẽ tính toán để triển khai tiếp. Bởi thực tế, khi chúng ta nới lỏng cho các hộ gia đình tùy theo các điều kiện về kinh tế, công việc cho phép sinh con thứ 3, thì có một dạo tỷ lệ sinh rất cao. Cho nên, giờ phải thận trọng.

Nói về thời điểm có thể đưa ra đề xuất này, và cần phải dựa vào căn cứ nào, ông Cừ cho biết, thứ nhất là phải căn cứ vào sự phát triển của kinh tế. Hiện nay quy mô dân số của chúng ta đứng 15 trên thế giới, trong khi tiềm lực kinh tế của mình đứng khoảng 40, đó là sự bất hợp lý,

Thứ hai phải tính toán lại nguồn nhân lực về lao động. Hiện nay, tỷ lệ lao động vẫn còn rất cao. Dân số trong độ tuổi lao động ở nước ta hiện nay vẫn còn khoảng 75 triệu, vẫn rất lớn so với thế giới, không phải thấp. Hiện nay chúng ta vẫn đang xuất khẩu lao động, lao động trong nước vẫn thừa nguồn cung.

“Cho nên, mọi thứ đều phải tính toán rất kỹ. Nếu đề xuất sớm quá lại tạo thành trào lưu thì chưa chắc đã tốt. Ngoài ra, còn là vấn đề ngân sách cho việc thưởng này như thế nào, liệu một lúc nào đó còn đáp ứng được không”, ông Cừ nhấn mạnh.

Theo Quyết định 2019/QĐ-BYT của Bộ Y tế có 21 tỉnh, thành phố được phân vào vùng mức sinh thấp, bao gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

Theo dự thảo Luật dân số mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến, khi sinh đủ 2 con, phụ nữ tại các tỉnh vùng I mà có mức sinh thấp có thể được thưởng đến gần 9 triệu đồng, cùng đó được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt chính sách khác trong đời sống.

Mai Loan