Thời sự

Đại biểu Quốc hội: Có tình trạng kinh doanh bảo hiểm lôi kéo, hình thành đường dây đa cấp

  • Tác giả : Mai Loan
Đại biểu Quốc hội cho rằng, đã có tình trạng kinh doanh bảo hiểm lôi kéo người mua cấp thấp, hình thành đường dây đa cấp.

Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), một số đại biểu lưu ý tình trạng lợi dụng các loại hình kinh doanh bảo hiểm để huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp.

dai-bieu-nguyen-thi-thu-dung-thai-binh(3).jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu từ điểm cầu tỉnh Thái Bình. Ảnh: VPQH.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) cho rằng, dù dự thảo luật quy định khá rõ tiêu chuẩn đại lý, yêu cầu bảo hiểm phải có hợp đồng quy rõ trách nhiệm bên bán, bên mua, thế nhưng hiện nay có loại hợp đồng chung, hợp đồng giao kết điện tử trên không gian mạng.

“Đây chính là kẽ hở để các đối tượng kinh doanh đa cấp có thể lợi dụng”, đại biểu nói.

Thực tế, đã có tình trạng người mua trở thành đại lý ảo, đại lý không chính thức rồi quay lại tìm kiếm, lôi kéo những người mua cấp thấp hơn, từ đấy hình thành đường dây đa cấp, dẫn đến việc rủi ro, đổ vỡ.

Cho nên, ban soạn thảo cần cân nhắc, bổ sung quy định chặt chẽ hơn hoặc nêu rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước để tăng cường quản lý và chế tài đối với các vấn đề nảy sinh nêu trên.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng nêu thực tế thời gian qua, đã xảy ra các vụ trục lợi, gian lận bảo hiểm với quy mô, số tiền trục lợi ngày càng lớn, tính chất ngày càng tinh vi phức tạp.

Tình trạng trục lợi xảy ra ở hầu hết các công đoạn trong chu trình bảo hiểm từ khai thác, giao kết hợp đồng, giám định, khiếu nại bồi thường và giải quyết bồi thường.

Vì vậy, cần nhận diện đầy đủ các tổn thất, các hình thức gian lận và các đối tượng của các hành vi gian lận để có chế tài trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Đồng thời, phải xây dựng các quy định mang tính toàn diện hơn, không chỉ phòng chống gian lận của các đối tượng bảo hiểm mà kể cả các doanh nghiệp bảo hiểm, các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và các cộng tác viên bảo hiểm.

dai-bieu-tran-chi-cuong.jpg
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu từ điểm cầu TP Đà Nẵng. Ảnh: VPQH.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cho biết, cần bảo đảm cân bằng quyền lợi giữa bên mua và bán bảo hiểm. 

Hiện nay hợp đồng còn nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm trong khi quyền lợi của người thụ hưởng, người mua bảo hiểm chưa được chú trọng đúng mức.

Trên thực tế, một số loại hình bảo hiểm có tình trạng người mua được cung cấp hợp đồng mà các điều khoản hầu hết có lợi cho bên bán.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho biết thực tế, trong hợp đồng bảo hiểm, lợi thế thường thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm - bên bán chủ động, nắm chắc các quy định của pháp luật.

"Còn bên mua (là khách hàng cá nhân chiếm số lượng lớn) thường thụ động trong tìm hiểu đầy đủ nội dung các điều khoản, thường rơi vào yếu thế khi thực hiện hợp đồng. Vì vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn cơ chế bảo vệ người được bảo hiểm", đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Do đó, theo đại biểu, cần quy định trong dự thảo luật bảo đảm cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua, bảo đảm tính bình đẳng, minh bạch, công khai, chặt chẽ.

Mai Loan