Gia đình mới

Cứu sống thai nhi bị suy tim bào thai nặng

  • Tác giả : Thúy Nga
Cứu sống thai nhi bị suy tim bào thai nặng do tổn thương dẫn truyền nhĩ thất (Block A-V) độ 3 trong bệnh lý tự miễn Lupus ban đỏ.

Ngày 7/3, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, với sự phối hợp nhịp nhàng vô cùng ăn ý giữa đơn vị và Bệnh viện Nhi Đồng đã cứu sống thành công một trường hợp bé bị bệnh tim block nhĩ thất độ 3 do mẹ có bệnh lý lupus.

Ca mổ lấy thai và đặt máy tạo nhịp nội tâm mạch ngay sau sinh giúp giữ lại sự sống cho em bé bị rối loạn dẫn truyền nhĩ thất (Block nhĩ - thất) độ III bẩm sinh nặng.

Phát hiện thai bất thường nghiêm trọng từ tuần thứ 21

Chị T. T. T. A, 30 tuổi, sống và làm việc tại tỉnh Sóc Trăng. Cả 2 vợ chồng chị đều là bác sĩ công tác cùng 1 bệnh viện. Sau khi cưới về chị A có thai ngay nhưng bị 1 lần sảy thai sớm và 1 lần bị thai lưu lúc 7 tuần. Sau đó chị nhanh chóng có thai lại, khám thai định kỳ theo lịch.

Lúc 3 tháng đầu thai kỳ, xét nghiệm sàng lọc thai NIPT nguy cơ thấp và xét nghiệm tổng quát của mẹ đều bình thường, siêu âm độ mờ da gáy cũng trong giới hạn bình thường, nhịp tim thai 140-160 nhịp/phút không phát hiện bất thường.

Tuy nhiên lúc 21 tuần, chị A đi khám thai và siêu âm hình thái 4D phát hiện nhịp tim thai của bé chỉ còn có 55 – 60 nhịp/phút (bình thường trên dưới 140 nhịp/phút). Đây là một bất thường khá nghiêm trọng nên 2 vợ chồng chị A đã lên Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 để kiểm tra lại.

Sau khi các bác sĩ tiền sản Bệnh viện Từ Dũ khám, siêu âm tiền sản thấy nhịp tim thai chậm bất thường nên cho chỉ định làm các xét nghiệm tự miễn tìm nguyên nhân đồng thời hội chẩn với Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Ca phẫu thuật cho sản phụ - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật cho sản phụ - Ảnh BVCC

Kết quả siêu âm ngày 4/12/2024 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy tần số tim 57 nhịp/phút, nhịp nhĩ 120 nhịp/phút, cấu trúc tim bình thường, hở 3 lá nhẹ.

Khi có kết quả xét nghiệm miễn dịch mới phát hiện chị A bị bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Căn bệnh tự miễn có thể khiến phụ nữ mang thai và thai nhi gặp những biến chứng nguy hiểm.

Sau khi phát hiện bị Lupus chị A điều trị bệnh nền tại Bệnh viện Đại học y dược. Về phần em bé, Bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Nhi Đồng 1 theo dõi liên tục mỗi 2 tuần 1 lần và gần đây là mỗi tuần 1 lần đánh giá sát các thông số tim mạch và thấy nhịp tim thai ổn định ở tần số 56 nhịp/ phút.

Ngày 18/2, khi thai được 34 tuần 5 ngày, sau khi siêu âm ghi nhận có tình trạng hẹp hở van mức độ trung bình do tim to trong bệnh lý cơ tim Lupus, suy tim thai nhẹ - trung bình cần theo dõi sát mỗi 3 ngày vì nguy cơ thai lưu và tử vong chu sinh cao. Chị A được các Bác sĩ tư vấn cần đặt máy tạo nhịp cho bé ngay sau sinh.

Ngày 26/2, cuộc hội chẩn giữa Ban giám đốc và các bác sĩ chuyên gia của Bệnh viện Từ Dũ và Nhi Đồng 1, quyết định chấm dứt thai kỳ sớm và đưa ra 2 phương án song song. Nếu ngay sau mổ lấy thai huyết động bé ổn định có thể chuyển bé về Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện can thiệp đặt máy tạo nhịp.

Nếu huyết động bé không ổn định, chuyển viện không an toàn thì sẽ tiến hành can thiệp đặt máy tạo nhịp theo phương pháp mới là đặt máy tạo nhịp nội tâm mạch ngay tại phòng mổ Bệnh viện Từ Dũ khi bé chào đời.

Cứu sống thai nhi bị suy tim bào thai nặng ảnh 2 Cứu sống thai nhi bị suy tim bào thai nặng ảnh 3

Em bé bị suy tim bào thai nặng chào đời - Ảnh BVCC

Thông tim can thiệp ngay sau sinh

Ngày 27/2, khi thai được 36 tuần, chị A được siêu âm kiểm tra lại thấy tim thai có diễn tiến suy tim bào thai nặng hơn. Do đó, Bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức hội chẩn liên viện khẩn với Ban Giám đốc, kíp hồi sức sơ sinh, kíp thông tim của Bệnh viện Nhi Đồng 1 lúc 10h ngày 27/2 và hội đồng của 2 bệnh viện đã kết luận với chẩn đoán như sau: Con so, thai 36 tuần 1 ngày, suy tim bào thai do tổn thương dẫn truyền từ nhĩ xuống thất có nguyên nhân từ bệnh lý Lupus của mẹ.

Thống nhất xử trí cấp cứu bán cấp, nếu chậm trễ thai có tăng nguy cơ lưu trong bụng mẹ. Ngay sau hội chẩn, ban lãnh đạo 2 bệnh viện đã tư vấn cho sản phụ và chồng. 2 vợ chồng đồng thuận và quyết tâm thực hiện theo kết luận của hội đồng.

Thông tim cho bệnh nhi - Ảnh BVCC

Thông tim cho bệnh nhi - Ảnh BVCC

Sáng ngày 28/2, ê-kíp sản khoa – ê-kíp can thiệp bào thai và ê-kíp sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ hơn 10 người, ê-kíp thông tim can thiệp tim và ê-kíp sơ sinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 gồm 6 người đã sẵn sàng. Lúc 11h15 phút, BS CKII Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ trực tiếp tiến hành mổ lấy thai, sau 5 phút bé trai cân nặng 3,1 kg chào đời.

Sau sinh, bé thở và khóc được nhưng da tím tái, nhịp tim bé chậm 52 lần/phút và sau 1 phút thì bé ngưng thở. Do đó, bé được kíp hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 hồi sức tích cực ngay lập tức, đặt nội khí quản giúp thở cho bé và chuẩn bị phương án can thiệp đặt máy tạo nhịp tại chỗ cấp cứu.

Sau khi lập đường truyền tĩnh mạch, dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ tiến hành chích tĩnh mạch cảnh trong bên trái, luồn Sheath 5f đi dần vào buồng thất phải, sau đó luồn dây điện cực vào buồng thất phải. Cuối cùng nối dây điện cực vào máy tạo nhịp và điều chỉnh tần số nhịp tim phù hợp. Đây là phương pháp đặt máy tạo nhịp nội tâm mạch tạm thời xử trí cấp cứu để cứu sống những trường hợp khẩn cấp.

Sau khi đặt xong máy tạo nhịp thành công, sinh hiệu bé ổn định, siêu âm lại xác định vị trí máy tạo nhịp chính xác trong buồng tim, kiểm tra nồng độ Oxy trong máu đạt ngưỡng, nhịp tim tăng lên 140 lần/phút, bé tiếp tục được theo dõi 30 phút thấy tình trạng ổn định nên được chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 1 theo dõi thêm. Sau 24 giờ can thiệp hiện tại tình trạng của bé ổn định, bé tự thở khí trời mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào cả.

Chị A vượt cạn thành công được mẹ tròn con vuông mặc dù trải qua hành trình bao gian nan, đầy gam go thử thách. Hiện tình trạng sức khỏe của người mẹ cũng rất tốt, vết mổ khô, không sốt. Chị A có thể vận động đi lại, ăn uống khá tốt.

Thúy Nga