Sản giật hôn mê và phù toàn thân
Ngày 31/3, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu cho sản phụ và thai nhi nhập viện trong tình trạng tiền sản giật.
Theo đó, sản phụ 39 tuổi (Thanh Sơn – Uông Bí) mang thai lần 2, thai 29 tuần 3 ngày, nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị, đau đầu, có cơn co tử cung, huyết áp cao 180/110mmHg, men gan tăng, protein niệu, tiểu đường thai kỳ…
Xác định đây là một trường hợp tiền sản giật nguy cơ biến chứng cao, các bác sĩ đã tiến hành theo dõi chặt chẽ và điều trị giảm co, điều trị huyết áp, nội tiết, hỗ trợ trưởng thành phổi, điều chỉnh đường máu. Trong quá trình theo dõi sản phụ đột ngột xuất hiện cơn giật, sau khi dùng an thần sản phụ hết cơn giật nhưng hôn mê, phù toàn thân.
Trước diễn biến ca bệnh phức tạp, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn và thống nhất phương án phẫu thuật cấp cứu để cứu sống tính mạng sản phụ và thai nhi. Sau khi được sự đồng ý của gia đình, ca phẫu thuật được diễn ra nhanh chóng, bé gái chào đời với cân nặng 1.000gram được các bác sĩ sơ sinh chăm sóc ngay tại phòng mổ và đưa về khoa theo dõi.
Sau phẫu thuật sản phụ được theo dõi và điều trị tích cực. Hiện sau 4 ngày phẫu thuật, sức khỏe 2 mẹ con sản phụ ổn định. Sản phụ sẽ được xuất viện trong 1-2 ngày tới, trẻ sẽ được tiếp tục theo dõi tại khoa Sơ sinh của bệnh viện.
BsCKII. Vũ Thị Dung, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu khuyến cáo đối với các bà mẹ mang thai cần phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh lý tiền sản giật và sản giật như: phù toàn thân, tăng huyết áp, protein niệu kèm theo các rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương như đau đầu, nhìn mờ, đau tức vùng bụng trên (thượng vị) nên đến bệnh viện ngay vì có thể biến chứng lên cơn co giật, hôn mê, hội chứng Hellp... Bởi nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến sản giật và gây tử vong cả sản phụ và thai nhi.
![]() |
Phẫu thuật cấp cứu cứu sống sản phụ và thai nhi bị tiền sản giật nặng - Ảnh BVCC |
Đối tượng dễ bị tiền sản giật nguy hiểm
Theo BS.CKII. Vũ Thị Dung, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu cho biết, phù phổi cấp là một biến chứng trong sản khoa có thể xuất hiện trong thai kỳ, trong chuyển dạ hoặc sau khi sinh. Phù phổi cấp chiếm từ 0,08 - 0,5 % phụ nữ có thai.
Bệnh thường xảy ra ở những trường hợp như đẻ nhiều lần, có bệnh hẹp van tim, bệnh thận mạn tính, tiền sản giật, nhiễm trùng trong mang thai... Bệnh gây biến chứng suy hô hấp cấp và tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng phương pháp.
Nguyên nhân là do:
Thay đổi tuần hoàn khi mang thai: Ngay từ khi có em bé, người mẹ bắt đầu có hiện tượng giữ nước trong cơ thể. Nước được giữ lại và phân phối đều trong tổ chức mô mềm. Đặc biệt hiện tượng này tăng nhiều trong 10 tuần cuối thai kỳ cho đến khi chuyển dạ, sau sinh sẽ giảm đột ngột.
Thể tích huyết tương tăng nhanh, tăng rõ ràng nhất là từ tuần thứ 6 cho đến tuần thứ 34 và giữ ổn định cho tới lúc sinh. Thể tích huyết tương trở lại bình thường sau 6 tuần hậu sản.
Nhịp tim của thai phụ tăng cùng với tuổi thai, trung bình tăng khoảng 15%. Lưu lượng tim tăng do nhu cầu tiêu thụ oxy cao cho cả mẹ, thai nhi và phần phụ. Tốc độ tuần hoàn cũng tăng do có sự thông nối giữa hệ động mạch người mẹ với tĩnh mạch của nhau thai.
Mặt khác, tư thế của tim thay đổi do tử cung lớn, đẩy cơ hoành lên cao làm cho tim từ trục dọc chuyển sang tư thế nằm ngang. Như vậy, làm các mạch máu từ tim ra hơi gập nhẹ, hậu quả là tim làm việc trong điều kiện khó khăn hơn trước khi mang thai.
Bệnh tim: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh tim của người mẹ ở mức độ nặng hay nhẹ, điển hình nhất là hẹp van 2 lá với tỉ lệ 70 - 90% gây biến chứng phù phổi cấp. Mức độ hẹp càng nhiều thì bệnh càng nặng và biến chứng càng nhiều. Tổn thương nhiều van tim bệnh càng nặng.
Số lần sinh trước đây: Những người sinh con lần đầu nguy cơ bệnh xảy ra thấp hơn so với người đẻ nhiều lần.
Tuổi thai: Thai càng lớn thì các biến cố tim mạch trong sản khoa xảy ra càng nhiều.
Tăng huyết áp thai kỳ: Các bệnh lý tăng huyết áp trong thai kỳ, nhất là tiền sản giật nặng thì các cơn phù phổi cấp sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để xuất hiện.
Ngoài ra phù phổi cấp còn gặp trong các trường hợp thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, bệnh thận, ngộ độc thuốc hoặc ngộ độc các độc chất khác...
Biểu hiện của phù phổi cấp thường sẽ có các triệu chứng báo trước vài giờ hoặc lâu hơn. Nếu phát hiện sớm các dấu hiệu này sẽ rất có lợi trong điều trị và có thể phòng ngừa được cơn phù phổi xảy ra.
Thể điển hình: Biểu hiện là cơn kịch phát, tính chất rầm rộ với triệu chứng sau: Sản phụ mang thai bị phù phổi cấp sẽ đột ngột khó thở, nhịp thở tăng lên kèm ho nhiều; Môi và đầu ngón tay, chân tím; Tinh thần hốt hoảng lo sợ, cảm giác tức ngực, vã mồ hôi lạnh chân tay; Tim đập nhanh, nhịp tim > 100 lần/phút.
Huyết áp thường kẹt hoặc tăng huyết áp trong tiền sản giật, các bệnh thận. Tuy nhiên, có thể gặp thể hạ huyết áp do trụy tim mạch, đây là bệnh cảnh nặng chứng tỏ tim không làm việc để bù trừ kịp và dẫn đến suy hô hấp cấp.
Thể bán cấp: Cũng xuất hiện với khó thở đột ngột, cảm giác ngứa cổ. Thể bệnh này hay gặp hơn.
Ngoài ra, chúng ta có thể gặp thể tối cấp sẽ diễn tiến rất nhanh trong vòng vài phút. Tuy nhiên, bất kỳ thể lâm sàng nào của phù phổi cấp cũng đều cho tiên lượng xấu như nhau.
Để phòng tránh phù phổi cấp phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ tư vấn đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
Đặc biệt với những sản phụ có những dấu hiệu của tiền sản giật như: cao huyết áp, phù chân, tay… thì cần phải được quản lý thai nghén sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.