Thăm khám cho BN kẹt van tim nhân tạo được cứu sống.
Sẽ chết trên đường nếu chuyển xuống tuyến TƯ
BN Nguyễn Thị H. 47 tuổi (Phú Thọ) sau 3 tuần mổ thay van tim nhân tạo bị mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực phải nhập viện cấp cứu. Kết quả siêu âm cho thấy: tắc nghẽn van tim, cả một cánh van bất động, một cánh di động rất hạn chế, chênh áp trung bình qua van tăng cao > 25 mmHg,…
BN được chỉ định chuyển cấp cứu xuống tuyến TƯ mổ cấp cứu. Chưa kịp di chuyển thì tình trạng bệnh diễn biến nhanh: BN khó thở nhiều, phù phổi cấp, huyết áp tụt nhanh xuống còn 80/50 mmHg, BN có thể chết trên đường di chuyển.
Vì vậy, bệnh viện đã hội chẩn cấp cứu “cứu BN tới hơi thở cuối cùng” quyết định áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết truyền tĩnh mạch. Sau 15 phút truyền thuốc tình trạng BN bắt đầu cải thiện, sau 2h BN dễ thở, huyết áp tăng lên 100/60 mmHg, siêu âm tim 2 cánh van mở hoàn toàn, chênh áp qua van bình thường. Sau 3 ngày BN ổn định.
BS Nội trú Nguyễn Đình Việt, đơn vị can thiệp tim mạch bệnh viện Phú Thọ cho biết, đây là ca đầu tiên bệnh viện áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết để cứu BN kẹt van tim. Thay van tim là một kỹ thuật phổ biến cho những người bị bệnh về van. Van để thay gồm có 2 loại là van tim sinh học và van tim cơ học.
Mặc dù chất lượng van tim, kỹ thuật mổ, dùng thuốc điều trị, chống đông… đã được cải thiện nhưng trong 10 năm đầu sau thay van, có tới 35% BN gặp trục trặc liên quan đến van như máu cục, tan máu, quá sản mô, viêm nội tâm mạc… Với những BN mang van tim cơ học, nguy cơ huyết khối gây kẹt van là rất cao.
Nguyên nhân kẹt van tim thường do không dùng thuốc chống đông, hoặc dùng không đúng liều, khiến máu đọng lại, làm cho van tim di động kém hoặc không di động được. Ngay cả khi dùng thuốc chống đông theo đúng chỉ định, vẫn có tới 4% BN bị biến chứng này, nguyên nhân là loạn nhịp tim, do xơ nội mạc cơ tim… làm rối loạn dòng chảy qua van và tạo nên cục máu đông…
Hiểm họa lớn: Phát hiện sớm tránh tử vong
BS Nội trú Nguyễn Đình Việt cảnh báo, tắc nghẽn van tim cơ học do cục máu đông là mối hiểm họa lớn nhất cho các BN phải thay van tim nhân tạo, rất dễ gây tử vong. BN có thể tử vong nhanh chóng có thể tính theo từng phút nếu như cục máu đông bít tắc hoàn toàn khiến máu không lưu thông được.
Trước đây, khi chưa phát triển kỹ thuật chẩn đoán, có tới 50% ca tử vong do kẹt van cơ học chỉ được phát hiện nguyên nhân khi xét nghiệm tử thi. Do vậy, việc phát hiện sớm kẹt van tim có ý nghĩa sống còn với người bệnh.
Theo BS Nội trú Nguyễn Đình Việt, thường sau khi thay van, BN có thể nhận thấy có tiếng van chuyển động tạo nên tiếng “click”. Nếu có kẹt van tim, tiếng động của van sẽ thay đổi, thậm chí có thể mất tiếng click này, BN có biểu hiện khó thở, mệt hơn so với bình thường. Lúc này nên đi khám ngay, chớ để bệnh nặng có biểu hiện phù phổi cấp, khó thở, ho ra bọt hồng, hoặc tim đập nhanh, gan to…
Nếu máu cục nhỏ, chưa có biểu hiện suy tim, phù phổi cấp thì có thể điều trị bằng thuốc chống đông, tiêu huyết khối. Trường hợp cục máu đông lớn hơn 8 mm, gây rối loạn huyết động nặng thì cần phẫu thuật càng sớm càng tốt để lấy bỏ máu cục, chỉnh van hoặc thay van khác.
Điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết là lựa chọn hàng đầu để cứu sống bệnh nhân, tuy nhiên phương pháp này cũng có biến chứng nguy cơ xuất huyết nặng nề, bong cục máu đông gây tắc mạch máu não hoặc các động mạch khác…
Vì vậy, tiêu sợi huyết chống chỉ định tuyệt đối với người: Xuất huyết não hoặc đột quỵ không rõ nguyên nhân ở bất cứ thời điểm nào; Nhồi máu não trong vòng 6 tháng; Tổn thương hoặc u tân sinh hệ thần kinh trung ương; Vết thương đầu, phẫu thuật hoặc chấn thương lớn trong vòng 3 tuần trước đó; Xuất huyết tiêu hóa trong 1 tháng trước đó; Bệnh lý cơ quan tạo máu; Phình tách động mạch chủ….
Tắc nghẽn van tim cơ học là mối hiểm họa lớn nhất cho các BN phải mang van tim nhân tạo. Để phòng tránh biến chứng này, BN phải dùng thuốc chống đông và theo dõi thường xuyên tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có biểu hiện nghi ngờ kẹt van như thay đổi tiếng click của van, khó thở, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.
Nhật Hà