Y học và đời sống

Gãy xương đùi tái phát, cách sơ cứu giảm biến chứng

  • Tác giả : Thúy Nga
Gãy xương là tai nạn thường gặp, nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách có thể để lại di chứng tàn phế suốt đời, thậm chí đe dọa tính mạng. 

Trung tâm Y tế huyện Yên Lập vừa phẫu thuật thành công cho người bệnh N. H. P 40 tuổi, trú tại huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng gãy xương đùi tái phát.

Theo đó, người bệnh vào viện trong tình trạng đau, mất vận động đùi phải, sưng nề bầm tím. Qua thăm khám và kết quả cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh gãy kín 1/3 dưới xương đùi phải tái phát và chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Sau 1,5 giờ, ca phẫu thuật thành công. Hình ảnh chụp X.quang phần xương đùi bị gãy sau phẫu thuật cho thấy thẳng trục vị trí gãy cố định vững. Sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh ổn định, vết mổ khô.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Theo BSCKI. Trần Văn Thức, Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp - Chuyên khoa, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập, phẫu thuật xương đùi là đại phẫu, cơ đùi rất lớn nên trong phẫu thuật để đặt lại xương gặp khó khăn và nguy cơ mất máu cao, đặc biệt đây là trường hợp gãy tái phát và phức tạp, thành xương mỏng; ê-kíp phẫu thuật đã tập trung cao độ, tiến hành tháo bỏ nẹp cũ, đặt nẹp mới để cố định xương.

Phẫu thuật cố định xương đùi bằng nẹp vít được Trung tâm triển khai từ năm 2014, đến nay, đây là kỹ thuật thường quy tại Trung tâm, giúp người bệnh được cấp cứu kịp thời, không phải chuyển tuyến, hạn chế quá tải tuyến trên.

Theo BSCKI. Trần Văn Thức cho biết, gãy xương là tai nạn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách có thể để lại di chứng tàn phế suốt đời, thậm chí đe dọa tính mạng của nạn nhân. Việc sơ cứu ban đầu kịp thời và đúng cách sẽ giảm được 70% biến chứng do gãy xương.

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Khi có trường hợp tai nạn, cần bình tĩnh xác định tình trạng tổn thương. Nếu người bệnh bị vết thương chảy máu thì cầm máu bằng các vật dụng sẵn có như khăn tay, áo để băng cầm máu hoặc garo bằng các dụng cụ có sẵn. Nếu có gãy xương cần cố định xương gãy, tránh di chuyển khi chưa cố định vì có thể làm người bệnh đau gây choáng.

Đặc biệt chú ý xương cột sống cổ và xương cột sống lưng, nếu nghi ngờ tổn thương phải đặt trên ván cứng và chèn vùng cổ hai bên bằng các túi cát nhỏ hoặc gối cứng… Sau khi sơ cứu, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Thúy Nga