NHÌN THẲNG

Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông: Chiếm dụng quỹ bảo trì trong thời gian dài

  • Tác giả : BA
(khoahocdoisong.vn) - Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông “om” quỹ bảo trì tại 2 nhà cao tầng lô đất CT1, CT2 thuộc dự án khu nhà ở Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Chỉ khi Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc thì Tập đoàn Nam Mê Kông mới mở tài khoản để gửi kinh phí bảo trì 2%.

“Om” quỹ bảo trì 5 năm mới trả

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành Kết luận Thanh tra số 34/KL-TTr liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư tại 2 nhà cao tầng lô đất CT1, CT2 thuộc dự án khu nhà ở Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Theo kết luận thanh tra, đối với công trình tại lô đất CT1, thuộc dự án nhà ở Trung Văn, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông không trình hội nghị nhà chung cư lần đầu để xem xét, thông qua quy chế thu, chi tài chính của Ban Quản trị và kế hoạch bảo trì.

Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông “om” quỹ bảo trì 5 năm mới trả.

Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông “om” quỹ bảo trì 5 năm mới trả.

Đồng thời, không dự thảo quy chế thu, chi tài chính của ban quản trị và không lập kế hoạch bảo trì để hội nghị nhà chung cư lần đầu xem xét thông qua là thực hiện chưa đúng điểm đ Khoản 3 Điều 13 và Khoản 2 Điều 33 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng.

Cùng với đó, tính đến thời điểm bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị (tháng 9/2018), chủ đầu tư không mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì để quản lý là thực hiện không đúng khoản 1 Điều 109 Luật Nhà ở năm 2014.

Thời điểm thanh tra tháng 12/2020, chủ đầu tư và Ban Quản trị nhà chung cư CT1 chưa thống nhất quyết toán số liệu kinh phí bảo trì.

Như vậy, việc chủ đầu tư và Ban Quản trị chưa thống nhất quyết toán số liệu kinh phí bảo trì dẫn đến chậm bàn giao kinh phí bảo trì là thực hiện không đúng khoản 4 Điều 36 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ và Khoản 6 Điều 36 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng.

Sau khi làm việc với Đoàn Thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động phối hợp cùng Ban Quản trị và chuyển toàn bộ kinh phí bảo trì còn lại vào tài khoản kinh phí bảo trì của Ban Quản trị tại ngân hàng.

Chủ đầu tư phối hợp với Ban Quản trị để mở tài khoản kinh phí bảo trì 2% tại một ngân hàng vào ngày 14/1/2021 và đóng hơn 549 triệu đồng kinh phí bảo trì của phần kiot tầng 1 và lãi phát sinh.

Đến ngày 29/1/2021, chủ đầu tư và Ban Quản trị mới thống nhất và ký quyết toán số liệu kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Vào tháng 3/2021, chủ đầu tư chuyển toàn bộ phí bảo trì còn lại theo quyết toán vào tài khoản ngân hàng đã mở, tổng số tiền hơn 549 triệu đồng của tòa CT1.

Ngoài ra, Ban Quản trị tòa nhà trong quá trình vận hành cũng để xảy ra sai sót: Ban hành quy chế thu, chi tài chính không thông qua Hội nghị nhà chung cư, lập kế hoạch bảo trì thiếu một số nội dung, danh mục.

Tương tự đối với tòa CT2, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông cũng không mở tài khoản kinh phí bảo trì, chậm quyết toán số liệu và bàn giao quỹ bảo trì. Ban Quản trị tòa CT2 đã yêu cầu chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì từ tháng 2/2016. Nhưng tới thời điểm thanh tra tháng 12/2020, chủ đầu tư và Ban Quản trị chưa thống nhất quyết toán số liệu kinh phí bảo trì.

Ban Quản trị tòa nhà cũng để xảy ra sai sót, lập kế hoạch bảo trì hằng năm thiếu nội dung về dự kiến danh mục sẽ thực hiện bảo trì cho 3 - 5 năm sau đó. Kế hoạch bảo trì năm 2020 thiếu nội dung - thời gian và tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục cần bảo trì trong năm.

Đáng chú ý, Ban Quản trị sử dụng kinh phí bảo trì nhưng không thông qua Hội nghị nhà chung cư. Tháng 3/2018, Ban Quản trị sử dụng 6.822.000đ kinh phí bảo trì để mua thay thế thùng xe chở rác mà không thuộc danh mục bảo trì trong kế hoạch năm được Hội nghị nhà chung cư thông qua, không có biên bản họp Ban Quản trị thông qua hạng mục này là thực hiện không đúng khoản 1 Điều 37 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng.

Chặn đứng tình trạng chây ì bàn giao quỹ bảo trì

Trước những vi phạm, ngày 12/01/2021, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 15/QĐ-TTr xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông về hành vi chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị theo quy định.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông: Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức cá nhân để xảy ra tồn tại, thiếu sót có liên quan đã được Thanh tra nêu rõ trong kết luận. Cùng với đó, phải chuyển toàn bộ kinh phí bảo trì bao gồm cả tiền gốc và lãi còn lại cho Ban Quản trị cụm nhà chung cư 17T1 & 17T2 (CT2) theo quy định.

Tuy nhiên, Ban Quản trị nhà chung cư CT1 và cụm nhà chung cư 17T1, 17T2 (CT2) cũng phải rút kinh nghiệm đối với những tồn tại thiếu sót có liên quan. Thực hiện quyền và trách nhiệm quy định tại Điều 41 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 và Điều 1 Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng: Rà soát toàn bộ quá trình quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư báo cáo hội nghị nhà chung cư gần nhất để hội nghị nhà chung cư kiểm tra, giám sát, thông qua theo quy định.

Được biết, Công ty CP Nam Mê Kông, tiền thân là Công ty Cổ phẩn Xây dựng số 3 - Vinaconex 3. Ông Kiều Xuân Nam và ông Đặng Minh Huệ đảm nhận vị trí chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc công ty.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP với một số quy định chặt chẽ hơn được cho là sẽ góp phần chặn đứng tình trạng chủ đầu tư chây ì, om 2% quỹ bảo trì nhà chung cư.

Theo đó, để điều chỉnh việc các chủ đầu tư “om” 2% quỹ bảo trì nhà chung cư là quy định đối với trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí đã thu, trong thời hạn 10 ngày (quy định cũ là 15 ngày), kể từ ngày nhận được văn bản của Ban Quản trị nhà chung cư, UBND cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì cung cấp thông về số tài khoản, số tiền trong tài khoản.

Trong vòng 7 ngày sau khi có yêu cầu, tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản quỹ bảo trì phải cung cấp thông tin trả lời để UBND cấp tỉnh có căn cứ ra quyết định cưỡng chế. Và sau 5 ngày có quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh thì tổ chức tín dụng phải chuyển số tiền trong quỹ này cho Ban Quản trị nhà chung cư.

BA