Giáo dục

Còn chạy theo điểm số thì còn dạy thêm, học thêm

  • Tác giả : Cát Cát
(khoahocdoisong.vn) - TS Nguyễn Văn Hòa cho rằng, nếu từ học hành cho đến thi cử vẫn còn chạy theo điểm số, nặng về thành tích thì sẽ vẫn còn tồn tại dạy thêm, học thêm, cấm chỗ này, lại tìm cách “lách” chỗ khác.

Nếu dạy thêm không vì vụ lợi thì không xấu

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký ban hành Văn bản số 2499/QĐ-BGDĐT, công bố hết hiệu lực các điều của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Ngay khi quyết định ban hành, nhiều Sở GD&ĐT đồng loạt có văn bản thông báo về việc ngưng tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thì sẽ vẫn tiếp tục được  hoạt động đến khi giấy phép hết hiệu lực.

Quyết định này lại làm dấy lên tranh luận về việc dạy thêm, học thêm.

Một cô giáo dạy cấp THCS ở Hà Nội chia sẻ, cô làm công tác giảng dạy đến nay gần 30 năm. Cứ buổi chiều tan giờ dạy ở trường, là cô lại ra trung tâm dạy thêm.

“Tôi cho rằng, việc dạy thêm là hoàn toàn chính đáng. Bởi vì, các em có nhu cầu học thực sự. Việc giáo viên được dạy chính học sinh của mình cũng có nhiều ưu điểm. Đó là giáo viên đã biết được sức học của em đó thế nào, yếu kém phần nào để cần bồi dưỡng. Và rất có trách nhiệm.

Còn ra trung tâm, thì sự quan tâm không thể sâu sát bằng. Nhiều phụ huynh học sinh cũng cứ thuyết phục tôi dạy con của họ. Nhưng tôi không dám làm trái quy định”.

Cũng theo cô giáo này, rất hiếm giáo viên dùng “chiêu trò” để ép học sinh của mình đi học thêm. Còn nếu muốn, thì giáo viên vẫn có thể dùng cách “lách”, đó là gửi, chia sẻ các học sinh của mình cho đồng nghiệp.

GS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện quản lý giáo dục chia sẻ, nếu dạy thêm, học thêm không vụ lợi thì không có gì xấu cả, thậm chí cần phải trân trọng.

Không vụ lợi ở đây là học sinh đó có nhu cầu đi học, hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện, và sau khi học cha mẹ học sinh có một khoản thù lao muốn trả cho giáo viên thì đó là việc làm hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, thực tế, cũng không thể phủ nhận có sự “biến tướng” của việc làm này. Đó là hiện tượng giáo viên dùng các “chiêu trò” để ép học sinh đi học thêm.

“Nhưng nếu cứ không quản được là cấm thì quản lý dễ quá. Trong cuộc sống luôn có những điểm nghẽn, nút thắt, những nan đề. Là nhà quản lý thì cần phải tìm cách giải quyết những nút thắt này. Chứ không phải thấy điểm nghẽn là tìm cách cấm. Làm sao cho hài hòa về lý, luật pháp với nhu cầu, mong muốn của người dân. Và tại sao ở các vùng quê việc cấm này lại làm chặt chẽ, còn thành phố thì không? Điều đó còn cho thấy sự thiếu công bằng”, ông Bảo nói.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 với các cấp học trên địa bàn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng chỉ đạo cấm giáo viên đưa học sinh ra học thêm ở trung tâm do mình dạy. Cấp tiểu học không có dạy thêm học thêm. Với cấp THCS, các trường cần quản lý nghiêm việc dạy thêm, học thêm, tránh để xảy ra tình trạng biến tướng như giáo viên đưa học sinh của mình học thêm ở trung tâm do các cô dạy.

Muốn hết dạy thêm, học thêm cần phải chặn từ gốc

Phân tích nguyên nhân dẫn tới việc dạy thêm, học thêm, TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, việc dạy thêm học thêm xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, đó là do nhu cầu của cha mẹ học sinh, muốn con được dạy, bù đắp những kiến thức đã không được dạy trong nhà trường. Nguyên nhân này không nên cấm, vì đây là mong muốn chính đáng.

Nguyên nhân thứ hai, xuất phát từ chính nền giáo dục của chúng ta đang tạo nên những điều khiến học sinh buộc phải đi học thêm. Đó là việc dạy vẫn chủ yếu chạy theo cung cấp kiến thức, chứ không phải “dạy người”. Thi cử chạy theo điểm số, thành tích, lại khó khăn. Ra trường thì coi trọng bằng cấp. Như vậy, buộc học sinh phải đi học thêm.

Và còn một nguyên nhân thứ ba, đó là thu nhập của giáo viên còn thấp. Khi tiền lương chưa đáp ứng được nhu cầu đảm bảo cuộc sống, thì người giáo viên sẽ vẫn còn phải đi dạy thêm. Giáo viên muốn tăng thu nhập bằng chính nghề nghiệp của mình, theo tôi cũng là một nhu cầu chính đáng.

Từ những phân tích trên, ông Hòa cho rằng, nếu muốn chấm dứt chuyện dạy thêm, học thêm, thì cần phải loại bỏ từ những nguyên nhân “gốc”. Và một trong những điều quan trọng nhất, đó chính là cần phải thay đổi mục tiêu giáo dục.

Nếu như nhà trường xác định mục tiêu là giáo dục con người không chạy theo thành tích, rèn một con người thực sự, thi cử trở nên thiết thực hơn và phát huy được năng lực tối đa của con người về nhiều phương diện chứ không phải chỉ kiến thức, thì người ta sẽ không phải đi học thêm mà học những thứ khác. Ví dụ như học ngành, học nghề, học làm người.

"Tôi nghĩ đó là cả một sự thay đổi của giáo dục trong tương lai, cái mà chúng ta hướng tới. Như hiện tại Bộ GD&ĐT đang hướng tới là thầy cô phải thay đổi, xây dựng trường học hạnh phúc, và bằng đại học không ghi xếp loại khá giỏi thì sẽ hạn chế tư duy trọng bằng cấp, thành tích. Điều đó mới giúp ngăn chặn dạy thêm, học thêm.

Còn nếu vẫn chương trình học để rồi cả nước lên đường đi thi, tập trung vào thi, và vẫn tuyển dụng theo bằng cấp thì sao mà không dạy thêm, học thêm cho được", ông Hòa nêu quan điểm.

Nếu chúng ta chỉ chạy theo hiện tượng, đưa ra các quy định để cấm hiện tượng này hiện tượng kia, thì là con người sẽ có muôn hình vạn trạng để biến tướng, chặn chỗ này thì lại đi con đường khác. Cuối cùng họ vẫn đạt được hiệu quả là dạy được thêm, kiếm được tiền. Và tôi cho rằng nếu chỉ xử lý bằng quy chế, bằng quyền lực thì sẽ không đi vào lòng người cũng sẽ khó mà ngăn cấm được, mong muốn cũng chỉ là duy ý chí - TS Nguyễn Văn Hòa.

Cát Cát