Y học và đời sống

Có nên tập luyện khi bị chóng mặt do rối loạn tiền đình?

  • Tác giả : TS.BS Nguyễn Thị Phương Chi
Tập phục hồi chức năng tiền đình dựa trên các bài tập có lợi ích với người bệnh bị chóng mặt mạn tính như cải thiện triệu chứng chóng mặt, giảm nguy cơ ngã, cải thiện thăng bằng và cảm xúc...

Hậu quả của chóng mặt

Tiền đình là một hệ thống thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên, có vai trò quan trọng trong thực hiện chức năng duy trì tư thế, phối hợp các cử động mắt, đầu và thân mình. Trong điều kiện bình thường các tín hiệu được gửi từ mỗi hệ thống tiền đình về não phải khớp nhau nếu không sẽ gây ra tình trạng chóng mặt, mất thăng bằng.

Chóng mặt là một thuật ngữ không cụ thể được người bệnh sử dụng để mô tả một số triệu chứng khác nhau từ chóng mặt thực sự như cảm giác đồ vật xoay quanh mình hoặc bệnh nhân xoay quanh đồ vật, cảm giác choáng váng, mất phương hướng hoặc cảm giác mất thăng bằng.

Thường kèm theo buồn nôn, nôn, lo lắng, hồi hộp, vã mồ hôi... Vì vậy, người bệnh rất sợ hãi, có xu hướng “nằm im” không dám cử động. Nếu tình trạng chóng mặt kéo dài trên 1 tháng thì được coi là mạn tính.

Đây là triệu chứng khá thường gặp, tỷ lệ dao động từ 20%- 30%, tăng lên theo tuổi, ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nguy cơ té ngã là rất cao đặc biệt ở người lớn tuổi, người bệnh phải nghỉ làm, nếu tình trạng bệnh kéo dài dẫn đến giảm năng suất lao động, tăng chi phí y tế, hạn chế các hoạt động xã hội, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân chóng mặt và cách điều trị

Chóng mặt do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể chia thành các nhóm bệnh lý khác nhau như bệnh lý của tai trong (chóng mặt tư thế kịch phát lành tính BPPV, bệnh Meniere, viêm mê đạo…); thần kinh (bệnh lý thần kinh ngoại biên như tổn thương thần kinh tiền đình do viêm, nhiễm độc thuốc; thần kinh trung ương như tổn thương thân não, tiểu não do đột quỵ não, u, xơ cứng rải rác…);

Các tình trạng y học khác như tim mạch, tiêu hóa, nội tiết, chấn thương sọ não, mắt, bệnh lý cột sống cổ… trong đó các căn nguyên có nguồn gốc từ tiền đình ngoại vi (nằm ở tai trong) là chủ yếu.

Bên cạnh đó, có thể gặp chóng mặt tâm lý, chóng mặt chức năng như chóng mặt khi nhìn từ độ cao, khi di chuyển trong môi trường nhiều màu sắc sặc sỡ, ánh sáng...

Vì vậy, người bệnh cần được thăm khám một cách cẩn thận để xác định nguyên nhân, từ đó có chiến lược điều trị toàn diện cũng như tiên lượng quá trình phục hồi.

Các cơ quan bị ảnh hưởng do rối loạn tiền đình - Ảnh BVCC

Các cơ quan bị ảnh hưởng do rối loạn tiền đình - Ảnh BVCC

Bài tập phục hồi chức năng có lợi cho tiền đình

Các nghiên cứu cho thấy tập phục hồi chức năng tiền đình dựa trên các bài tập có lợi ích với người bệnh bị chóng mặt mạn tính như cải thiện triệu chứng chóng mặt, giảm nguy cơ ngã, cải thiện thăng bằng và cảm xúc.

Tập phục hồi chức năng tiền đình là một chương trình điều trị dựa trên các bài tập được thiết kế nhằm thúc đẩy sự thích nghi và thay thế tiền đình. Bài tập phục hồi chức năng tiền đình có thể chia làm hai loại, gồm:

Bài tập tăng cường chức năng tiền đình:

Các bài tập thích nghi: Bài tập cử động của mắt và đầu lặp đi lặp lại sẽ hỗ trợ thần kinh trung ương thích nghi với sự giảm hoặc mất các thông tin đầu vào của hệ thống tiền đình.

Các bài tập thay thế: Sử dụng các tín hiệu thị giác và cảm giác thân thể còn lại với các tín hiệu tiền đình để cải thiện sự lập trình của não bộ nhằm cải thiện và sự ổn định tư thế.

Bài tập quen với các cử động gây chóng mặt: Đây là một quá trình diễn ra ở não bộ. Bằng cách sử dụng lặp đi lặp lại các cử động gây chóng mặt đến khi não bộ quen và nhận biết được các thông tin sai lệch, từ đó giảm các triệu chứng và phản ứng bệnh lý.

Bài tập tái định vị sỏi tai Canalith (CRPs) cho bệnh nhân bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV). Tùy thuộc vào tổn thương thuộc ống bán khuyên nào mà các bác sĩ, KTV vật lý trị liệu sẽ sử dụng các thủ thuật và bài tập phù hợp.

Khi bị chóng mặt người bệnh cần đi khám phối hợp giữa các chuyên khoa như Tai mũi họng - Thần kinh - Phục hồi chức năng nhằm xây dựng cho người bệnh bị các rối loạn về thăng bằng một chương trình điều trị khoa học và toàn diện, giúp người bệnh cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính bản thân cũng như gia đình họ.

Và một lưu ý quan trọng với người bệnh là không nên tự tập khi chưa có sự thăm khám, tư vấn từ thầy thuốc chuyên khoa.

TS.BS Nguyễn Thị Phương Chi (Phó Chủ nhiệm Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương quân đội 108)

TS.BS Nguyễn Thị Phương Chi