Giáo dục

Có nên giữ kỳ thi học sinh giỏi quốc gia?

  • Tác giả : Quỳnh Anh
(khoahocdoisong.vn) - Một cô giáo chia sẻ, khi chứng kiến cô đưa đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia từ “vùng sâu vùng xa” xuống Hà Nội học bồi dưỡng, một đồng nghiệp bảo: "Sao phải học vất vả làm gì, có cách có giải nhàn hơn".

Sẽ tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm

Ngày 11/12, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký công văn về việc tổ chức thanh tra thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2019-2020.

Công văn gửi các sở GD&ĐT và giám đốc Sở giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu; giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội; hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội; hiệu trưởng ĐH Vinh.

Theo đó, Bộ GD&DT chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm, nếu có, trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi, coi thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2019-2020 tại các địa phương, đơn vị.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị lập biên bản và báo cáo ngay về Bộ GD&ĐT khi phát hiện sai phạm.

Công văn do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký.

Công văn do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia từ nhiều năm nay, đã dấy lên trong dư luận luồng thông tin về sự thiếu minh bạch, khách quan. Đặc biệt, vào tháng 1/2019. thanh tra Bộ GD&ÐT chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc tổ chức kỳ thi này.

Cụ thể, việc ra đề thi, chấm thi, ban hành các văn bản liên  quan đến cuộc thi chưa đúng.

Tại một số địa phương, người ra đề đề xuất và hội đồng ra đề thi nhưng lại tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho đội tuyển dự thi của các tỉnh, thành phố.

Trong số đó, trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (tỉnh Ninh Bình), năm 2017 có 12 người; Trường THPT chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), năm 2017 có 21 người; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), năm 2016 có 7 người... là thành viên ra đề đề xuất, hội đồng ra đề thi tham gia tập huấn, ôn luyện học sinh giỏi.

Việc lộ đề hay thiếu khách quan hoàn toàn có thể xảy ra bởi số lượng đề đề xuất của một số môn dùng cho thi HSGQG không nhiều.

Đặc biệt, danh sách người ra đề đề xuất không ghi ngày, tháng ban hành; người ký không quy định về độ mật, số lượng in, phạm vi lưu hành, hình thức sao chụp, nhân bản, không đánh số trang, không đóng dấu độ mật...

Kết quả việc kiểm tra xác suất chấm lần một của 27 bài thi HSGQG năm 2017 cho thấy, giám khảo chưa chấm bài thi độc lập theo quy định, việc cộng điểm trên bài thi không đúng…

Chính từ những sai phạm đó, mà công văn vừa ra của Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành được cho là nhằm chấn chỉnh những điều dư luận bức xúc.

Hãy để học sinh thi bằng chính năng lực của mình
Trao đổi với PV KH&ĐS về vấn đề này, một cô giáo có kinh nghiệm nhiều năm dạy đội  tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia chia sẻ, cô vừa đưa học sinh vượt mấy trăm cây số xuống Hà Nội mời thầy ôn luyện. Đây là cách của những trường ít kinh phí. Nếu kinh phí dồi dào, thì sẽ mời các thầy về tận trường để dạy đội tuyển.

“Giáo viên được mời này sẽ do giáo viên phụ trách đội tuyển tự liên hệ và mời. Ngay khi tôi mời một thầy của một trường đại học về giảng dạy, thầy đã nói luôn: Tôi không nằm trong hội đồng ra đề đâu nhé. Tôi biết vậy nhưng vẫn mời thầy. Bởi vì tôi muốn các học sinh của mình được học những kiến thức thực sự, chứ không phải theo kiểu “học tủ” chỉ để có giải”, cô giáo chia sẻ.

Cũng theo cô giáo này, thấy cô vất vả, lăn lộn cùng các học sinh như vậy, một đồng nghiệp đồng thời cũng là một người bạn của cô ở Hà Nội đã nói: “Sao phải vất vả thế làm gì, có nhiều cách có giải mà”.

Một trong những cách đó, theo cô được biết, chính là mời những người trong hội đồng ra đề về dạy cho đội tuyển.

“Cho nên, khi nghe thông tin Bộ GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị thanh tra nghiêm kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tôi rất mừng. Hãy để cho học sinh thi bằng chính năng lực của mình, chứ không phải bằng mối quan hệ hay tiền của các thầy cô”, cô giáo này nói.

Cô Đặng Liễu, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội cho biết, theo kinh nghiệm của cô, mọi cuộc thi, sự gian dối, tiêu cực chủ yếu nằm ở khâu ra đề và chấm thi. Đối với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng vậy, cần giám sát được nghiêm túc ở hai khâu này.

Có nên giữ lại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia?

Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, theo quan điểm của Bộ GD&ĐT là nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi, góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục.

Đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên, cùng với những tiêu cực từ kỳ thi này, đã có nhiều ý kiến đặt ra về việc có nên giữ lại kỳ thi này hay không?

Khi KH&ĐS thực hiện loạt bài về Trường chuyên, đã lấy ý kiến nhiều chuyên gia, các thầy cô giáo về vấn đề này.

Các ý kiến đều cho rằng, vẫn cần thiết duy trì các cuộc thi học sinh giỏi. Bởi cần phát hiện các học sinh có năng lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên, điều cần thiết là hãy trả cho cuộc thi sự minh bạch, khách quan, để cuộc thi học sinh giỏi chọn được những học sinh giỏi thực sự. Nếu không, một chủ trương đúng cũng sẽ thành sai, nếu thực hiện gian dối.

Theo kế hoạch, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia  năm 2019-2020 sẽ tổ chức 3 buổi thi trong các ngày 27, 28, 29 tháng 12/2019.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019-2020 tiếp tục tổ chức thi nói (độc thoại) đối với các môn Ngoại ngữ và thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học.

Cụ thể, ngày 27/12/2019: Thi viết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy tính môn Tin học.

Ngày 28/12/2019: Thi viết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học; thi nói các môn Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy vi tính môn Tin học.

Ngày 29/12/2019: Thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học.

Quỳnh Anh