Khám phá

Có hay không hồn ma?

  • Tác giả : Ngô Văn Thành và cộng sự
(khoahocdoisong.vn) - Lâu nay chúng ta vẫn không ngừng nghiên cứu và tranh luận về việc có hay không hồn ma. Nhất là gần đây, các lễ hội được tổ chức hoành tráng, người ta đi lễ nhiều, thờ cúng, đốt vàng mã rầm rộ, cho thấy con người đang ngày càng càng mê tín, càng tin vào việc hồn ma là có thật . Dưới đây xin giới thiệu bài viết của bác sĩ Ngô Văn Thành, người đã có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này.

Hệ thần kinh hoạt động sinh ra từ trường

Để lý giải được vấn đề này, xin nhắc lại mấy kiến thức cơ bản: Dòng điện sinh ra từ trường, dòng điện mạnh thì từ trường mạnh, dòng điện yếu thì từ trường yếu, dòng điện ngừng thì từ trường mất. Hệ thần kinh của sinh vật hoạt động giống như một hệ thống điện gọi là điện sinh học nên cũng sinh ra từ trường, gọi là từ trường sinh học. Con người là động vật cao cấp nhất, có hệ thần kinh hoàn chỉnh và mạnh nhất nên sinh ra từ trường cũng mạnh nhất, có chiều từ não bộ xuống chân. Nên khi ta ngủ nếu quay đầu về hướng bắc cho cùng chiều với từ trường của Trái đất thì giấc ngủ sẽ ngon hơn và sâu hơn.

Trong suốt quá trình sống của con người từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, hệ thần kinh luôn hoạt động và cũng luôn sinh ra từ trường tỏa khắp xung quanh. Nó khắc họa và in dầu của người đó vào không gian, tạo thành một dấu ấn sống động theo nhịp sống của người đó. Dấu ấn đó gọi là hồn. Từ trường của người đó tỏa ra xung quanh gọi là hào quang của người đó. Người tài giỏi thì hệ thần kinh hoạt động tốt, từ trường, hào quang của họ tỏa ra mạnh và xa. Bác Hồ của chúng ta là một ví dụ.

Khi người ta chết đi, hệ thần kinh không hoạt động nữa, nên từ trường của người đó cũng không còn nữa. Nhưng cái dấu ấn (hồn) của người đó đã được khắc họa, in dấu vào không gian thì vẫn còn, chưa thể mất ngay. Mặc dù nó đã tách ra khỏi phần thể xác vì không còn từ trường tỏa ra nữa. Người ta gọi nó là hồn ma, vong hồn hay linh hồn, gọi tắt là ma...

Người còn trẻ, đang khỏe bị chết đột ngột do tai nạn, bị giết... lúc chết hệ thần kinh của người ấy vẫn đang hoạt động tốt nên từ trường tỏa ra mạnh, để lại dấu ấn mạnh. Ngược lại, người ốm yếu lâu ngày, hay già cả, khi chết hệ thần kinh đã suy yếu, nên từ trường tỏa ra cũng yếu, để lại dấu ấn yếu. Cái dấu ấn (mà ta vẫn quen gọi là ma ấy) dù khỏe hay yếu của người mới chết tuy đã tách ra khỏi phần thể xác vì không còn từ trường bổ sung nữa, nhưng nó vẫn chưa kịp tan biến (chưa siêu thoát), nó bay lơ lửng vật vờ xung quanh nơi người ấy vừa chết, nhưng cũng không được lâu. Sau vì không còn từ trường bổ sung nữa nó cũng mờ dần đi và mất hẳn, tan biến chứ không thể tồn tại mãi mãi. 

Cái dấu ấn (hồn ma ấy) dù khỏe hay yếu, dù mới hay cũ, nó cũng chỉ là cái dấu ấn theo đúng nghĩa đen là dấu ấn của người mới chết để lại trong không gian, không có nghĩa gì khác. Nó vô hình, vô tri, vô giác nên không làm được gì, không giúp được ai, không hại ai. Tức là không có quyền năng gì. Xin đừng cúng bái cầu xin gì ở nó và cũng đừng sợ nó. Nó, khi chưa mờ, chưa mất, chưa tan biến cũng chỉ là một sản phẩm được tạo ra từ vật chất (duy vật). Cụ thể là từ hệ thống điện sinh học ở hệ thần kinh của con người khi đang sống mà ra. Nên nó cũng là một trong muôn vàn sản phẩm khác mà ta thấy trong cuộc sống hàng ngày, chứ không phải là một cái gì thần bí ghê gớm mà ta không biết, không hiểu. 

Những hình ảnh được lưu giữ trong tiềm thức

Vậy thì tại sao đôi khi trong giấc ngủ ta thấy những người chết hiện về? Hoạt động của bộ não con người chia làm hai phần: Phần ý thức và phần tiềm thức. Khi ta thức, để hoạt động và làm việc dù là ngày hay đêm thì chỉ phần ý thức hoạt động, phần tiềm thức bị ức chế không hoạt động. Trong cuộc sống hàng ngày, mọi hình ảnh, cảnh tượng, cảm giác, câu chuyện đọc được, nghe được đâu đó mà gây ấn tượng mạnh, cảm giác sung sướng hay đau đớn tột cùng, cảnh tượng chết chóc, sợ hãi, rùng rợn... mà phần ý thức thu lượm được trong khi nó đang hoạt động (lúc ta thức làm việc), tất cả được lắng sâu trong trí óc người ta, rồi được lưu giữ sâu kín trong phần tiềm thức. 

Khi ta ngủ, phần ý thức nghỉ không hoạt động, phần tiềm thức không còn bị ức chế nữa nên hoạt động. Cánh cửa kho lưu giữ để mở, các hình ảnh đã lưu giữ bật ra: Cha mẹ đã chết hiện về, đôi khi cảnh rùng rợn, sợ hãi đâu đó cũng hiện ra, khiến ta vô cùng khiếp sợ. Ta gọi đó là ác mộng. Tất cả đều ở trong đầu người đang sống mà ra cả, chứ không phải từ ngoài vào. Chính vì vậy nên chỉ có con cái của người chết mới thấy bố mẹ mình hiện về, còn người ngoài không thấy, mặc dù đang ngủ cùng nhà, cùng giường, vì trong đầu họ không lưu giữ hình ảnh của người chết đó.

Tóm lại, con người là một thể thống nhất. Hồn của ai là do hệ thần kinh của người đó khi đang sống sinh ra. Khi chất thì tất cả đều hết. Cái còn để lại chỉ là hình ảnh, trí tuệ, công lao, đạo đức, cách sống, tính tình... của người đó ra sao. Được chọn lọc qua thời gian rồi lưu vào sử sách, in dấu vào trí não người đương thời.

Như vậy, hồn người là dấu ấn của người sống trong không gian. Hồn ma là dấu ấn chưa mờ, chưa mất của người chết, ít lâu sau rồi cũng mất hẳn chứ không tồn tại mãi mãi. Hồn người, hồn ma đều là có thật, là duy vật chứ không phải duy tâm. 
 

Ngô Văn Thành và cộng sự