Thời sự

Du lịch gắn mác “tâm linh” để dễ xin dự án

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Những dự án du lịch tâm linh có quy mô lớn, tác động mạnh đến môi trường... dường như vẫn đang là “miếng mồi béo bở” để các doanh nghiệp nhắm vào. Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, rất nhiều công trình gắn mác “tâm linh” mà gần như không có yếu tố này.

Những dự án du lịch tâm linh có quy mô lớn, tác động mạnh đến môi trường... dường như vẫn đang là “miếng mồi béo bở” để các doanh nghiệp nhắm vào. Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, rất nhiều công trình gắn mác “tâm linh” mà gần như không có yếu tố này.

Kinh doanh tâm linh rất hiệu quả

Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng hơn 47 ha đất trồng lúa năm 2019 để thực hiện dự án Khu Du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy (KDL Lạc Thủy) tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, do Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư. Ông đánh giá thế nào về hoạt động du lịch tâm linh mấy năm gần đây?

Xây dựng được những khu “du lịch Tâm linh” nếu đúng chủ trương, tôn chỉ mục đích như dự án đã đặt ra thì là điều rất tốt đẹp, tạo môi trường lành mạnh cho các hoạt động tín ngưỡng. Điều đáng nói là hiện nay, trừ những công trình văn hóa truyền thống đã được xếp hạng, có sự quản lý chặt chẽ, còn các công trình “du lịch tâm linh” mới xây dựng hầu như thiếu hẳn yếu tố cơ bản là tâm linh.

Ông có thể nói rõ hơn?

Nhiều chủ dự án, chủ công trình lợi dụng thuật  ngữ “Du lịch Tâm linh, Văn hóa Tâm linh…” để xin đất thuận lợi hơn, giá đền bù ưu đãi hơn, và đặc biệt là sử dụng hành nghề dễ dãi hơn, có thể vượt qua các cơ quan quản lý chức năng về chuyên môn và nghiệp vụ. 

Và nếu cứ đua nhau làm du lịch tâm linh kiểu này thì quỹ đất nông nghiệp, đất rừng sẽ ngày càng thu hẹp?

Đúng thế. Phải xem xét cẩn thận việc sử dụng quỹ đất của người dân để xây dựng những khu tâm linh kết hợp du lịch. Riêng ở tỉnh Hòa Bình, đề xuất xây khu du lịch tâm linh như thế là rất lớn, cần xem xét các yếu tố một cách thấu đáo. Nếu tỉnh nào cũng muốn xây dựng khu tâm linh thì quỹ đất sẽ ngày càng cạn kiệt mà đất thì không sinh ra được, sẽ ngày càng mất đi. Không được cho phép các cá nhân, tổ chức lợi dụng vấn đề tâm linh để xây dựng những công trình du lịch.

Lợi ích đem lại chỉ cho một nhóm người

Những dự án du lịch tâm linh có tác động rất lớn không chỉ đến tự nhiên mà cả xã hội?

Các dự án về “du lịch tâm linh” nếu làm đúng thì đem lại lợi ích rất lớn về văn hóa, an sinh và hiệu quả kinh tế cho đất nước . Nhưng nếu làm sai thì phần “lợi nhuận” chỉ là lợi ích về kinh tế cho một nhóm đối tượng tham gia, còn đối với cộng đồng xã hội thì không những không đem lại lợi ích chính đáng mà còn gây ra tiêu cực trong xã hội, phá hoại môi trường tự nhiên và môi trường tâm linh, phá hoại cơ cấu kinh tế chính trị của vùng miền dân cư.

 Đối với người dân bình thường, làm sao để nhận diện một khu thực sự có giá trị tâm linh và một khu chỉ xây lên để với mục đích kinh doanh?

Trong giáo lý nhà Phật, ngôi chùa cũng đồng thời là một công trình văn hóa tâm linh. Ngôi chùa đúng chánh pháp cũng giống như một mái trường, không chỉ là bàn ghế, bảng đen, phấn trắng, không chỉ là nơi lễ lạy thày cô giáo mà chủ yếu là phải có thày giỏi, dạy đúng giáo trình được duyệt, và phải có học sinh đến học tập tu dưỡng.  Như vậy, một công trình văn hóa tâm linh phải đạt được mục đích tâm linh là chính, rồi mới đến các mục đích khác. Nếu công trình chỉ nhằm mục đích kính doanh thu lợi nhuận thuần túy  mà không đảm bảo được các tiêu chí về Tâm linh thì đó là công trình sai quy định

Du lịch tâm linh thế nào là đúng cách thưa ông?

Người đi du lịch nếu vì mục đích “tâm linh” thì nên chọn những nơi lành mạnh, thực hành chánh pháp, không mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, không xem săm bói quẻ và không làm các dịch vụ môi giới sai với tiêu chí mục đích của dự án. Nhiều ngôi chùa hiện nay không phải mục đích hoằng dương chánh pháp mà là kinh doanh bất chính, thậm chí đóng cửa chính để bắt du khách phải ngồi lên phương tiện ô tô điện của chùa để thu vé rất vô lý, hoặc bắt du khách nộp những khoản tiền rât phi lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

Box

Dự án KDL Lạc Thủy được tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11-2016, quy mô 10.000 lượt khách/ngày. Theo hồ sơ, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng, sử dụng khoảng 121 ha đất, trong đó diện tích đất trồng lúa hơn 47 ha; vốn tự có của doanh nghiệp hơn 455 tỉ đồng (chiếm 15% tổng số vốn), còn lại là vốn vay và vốn huy động hợp pháp. Dự án sẽ hoàn thành vào tháng 3-2025. Ngay sau khi dự án trên được báo chí thông tin, có nhiều ý kiến không đồng tình do có tới hơn 47 ha đất lúa "bờ xôi ruộng mật" của người dân sẽ bị thu hồi, xóa sổ.

Tô Hội