Giáo dục

Có cần mỗi trường lập một hội đồng lựa chọn SGK?

  • Tác giả : Nguyên Minh
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, cùng một huyện, cùng đặc điểm kinh tế - xã hội, việc giao mỗi trường lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa liệu có cần thiết? Hay sẽ chỉ hình thức và gây tốn kém?

Mỗi trường thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo dự thảo này, mỗi trường tiểu học, trường THCS, trường THPT thành lập 1 Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng.

Thành viên của Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) có SGK lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Quy trình làm việc sẽ là tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK, đề xuất với Hội đồng bằng văn bản danh mục lựa chọn SGK.

Sau đó, hội đồng họp, thảo luận, đánh giá đề xuất danh mục lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn theo các nguyên tắc quy định và tiêu chí lựa chọn SGK do sở GD&ĐT địa phương quy định để bỏ phiếu lựa chọn SGK bằng hình thức bỏ phiếu kín.

SGK được lựa chọn phải được trên 50% số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Hội đồng tổng hợp kết quả thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên tham dự.

Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông ban hành quyết định danh mục SGK được lựa chọn sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông và niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là 5 tháng.

Tiêu chí lựa chọn SGK bao gồm nội dung chủ yếu: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Tốn kém và hình thức?

Trao đổi với PV KH&ĐS về nội dung của thông tư, nhiều giáo viên bày tỏ sự băn khoăn, không tán thành.

Trước hết, ở việc mỗi trường đều thành lập hội đồng sách giáo khoa, nếu căn cứ vào tiêu chí, là dựa vào sự “phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương”, thì liệu có cần thiết hay không?

Bởi vì, ví dụ, trong cùng một huyện, mặc dù cũng có trường nơi trung tâm và vùng ven, nhưng nhìn chung, đặc điểm kinh tế xã hội sẽ giống nhau, giữa các trường không có nhiều khác biệt. Vậy vì sao mỗi trường phải thành lập một hội đồng?

Ngoài ra, để lựa chọn được một bộ SGK, đòi hỏi phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các bộ sách thì mới có thể có sự so sánh, đối chiếu. Nếu điều này không thực hiện được, thì mọi đánh giá cũng là không chính xác.

Đặc biệt, vấn đề chất lượng của hội đồng cũng là một vấn đề đặt ra, khi trình độ, năng lực của giáo viên giữa các trường cũng có sự khác biệt. Đối với phụ huynh học sinh cũng vậy, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa.

“Việc giao cho trường thành lập hội đồng lựa chọn SGK là không phù hợp, khi thực hiện sẽ rất phức tạp. Nếu làm để cho có thì sẽ mang tính hình thức, tốn kém tiền bạc”, một cô giáo nêu quan điểm.

Cũng theo cô giáo này, nếu có thành lập hội đồng lựa chọn SGK, thì chỉ cần ở cấp phòng giáo dục.

Cũng liên quan tới việc triển khai chương trình mới và sách giáo khoa, một số giáo viên cốt cán cho rằng, khi đi tập huấn, có nhiều những thắc mắc, băn khoăn chưa được giải đáp thấu đáo.

Ví dụ, về kế hoạch bài học, theo chương trình mới giáo viên sẽ không biết soạn như thế nào, thì người tập huấn cũng không trả lời được mà chỉ nói rằng, còn 9 đợt tập huấn nữa.

“Hiện tại, chúng tôi cảm thấy vẫn còn nhiều lúng túng, và các giáo viên họ cũng rất lo lắng. Với mỗi thay đổi đương nhiên luôn cần có sự đầu tư về thời gian, tâm sức. Tuy nhiên, tôi rất mong muốn, Bộ GD&ĐT sẽ có những triển khai cho phù hợp. Tránh việc rối. Chương trình mới dù hay đến đâu, sách giáo khoa dù tốt đến đâu, thì quan trọng vẫn là người thực hiện. Nếu không có sự chuẩn bị tốt cho đội ngũ giáo viên, thì cũng sẽ không hiệu quả”, một giáo viên chia sẻ.

Về lý do ra đời của dự thảo thông tư này, Luật Giáo dục 2019 quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32: "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT". Tuy nhiên, ngày 01/7/2020, Luật Giáo dục 2019 mới có hiệu lực thi hành, trong khi SGK phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trước tháng 31/3/2020 để kịp thời cung cấp SGK năm học 2020 - 2021.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông: "Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT".
Nguyên Minh