Giáo dục

Có cần giảm các môn thi THPT Quốc gia?

  • Tác giả : Cát Cát
(khoahocdoisong.vn) - Không nên cắt giảm các môn thi THPT Quốc gia bởi còn liên quan tới tuyển sinh đại học. Nếu lùi thời gian kết thúc năm học vào 15/7, các thí sinh hoàn toàn có thời gian để học.

Hiệu trưởng kiến nghị giảm các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 

Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, ngày 16/3, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie Hà Nội đã gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Trong lá thư, ông kiến nghị về việc xem xét cắt bớt môn thi trong hai kỳ thi THPT Quốc gia và kỳ thi vào lớp 10 năm 2020 cho học sinh.

Cụ thể, trong thư thầy Khang cho biết, dịch bệnh Covid-19, phức tạp hơn và quyết liệt hơn.

Đến ngày 15/3, tất cả các địa phương đều phải tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ học, trong đó có những nơi đã cho học sinh đi học được một thời gian cũng phải thay đổi và tiếp tục đóng cửa trường. Gần 30 tỉnh, thành phố vẫn chưa thể cho học sinh THPT đến trường, trong đó có các thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…

Bộ GD&ĐT đã 2 lần điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thời gian tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2020. Các trường đã phải dạy và học online hoặc qua truyền hình... Tuy nhiên, không phải địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh nào cũng có đủ điều kiện để dạy và học từ xa có hiệu quả...

Từ đó, thầy Khang xin phép đề nghị 2 nội dung. Thứ nhất, về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xem xét và quyết định chỉ thi các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ GD&ĐT chủ trương không công bố đề minh hoạ kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh hoạ các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học “đặc biệt” này.

Cắt giảm môn thi sẽ… thiệt thòi cho thí sinh

Trao đổi với PV KH&ĐS về việc chỉ thi các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong kỳ thi THPT Quốc gia, cô giáo Đặng Thị Liễu, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội cho biết điều này là không cần thiết và cũng không nên.

Đúng là dịch bệnh có những ảnh hưởng tới việc học, đặc biệt là đối với các thí sinh, tuy nhiên, nếu theo đúng kế hoạch lùi thời điểm kết thúc năm học vào 15/7, và đi học trở lại vào 5/4 thì học sinh vẫn hoàn toàn có thời gian  học và ôn tập để phục vụ tốt cho kỳ thi sắp tới.

 “Tôi trao đổi với một số giáo viên dạy lớp 12, họ cho biết, nếu theo đúng theo kế hoạch lùi thời gian kết thúc năm học mà Bộ GD&ĐT công bố thì vẫn đảm bảo được thời gian dạy cho học sinh, không lo thiếu hụt kiến thức”, cô Liễu nói.

Hơn nữa, hiện nay, đang có những hình thức học thay thế, như học trực tuyến, học trên truyền hình. Những hình thức học này có thể không thay thế được hoàn toàn cách dạy truyền thống, nhưng mỗi trường và mỗi lớp, giáo viên sẽ có những cách để làm sao khắc phục được những hạn chế, đảm bảo sự tiếp thu kiến thức cho học sinh.

Đặc biệt, lý do quan trọng nhất, là hiện nay, kết quả của kỳ thi THPT quốc gia vẫn được dùng để xét tuyển đại học.

Theo thống kê số liệu xét tuyển đại học các năm vừa qua cho thấy các trường lấy nguồn tuyển từ kỳ thi THPT Quốc gia là chủ yếu. Có tới trên 70% chỉ tiêu của các trường đại học xét tuyển từ kết quả kỳ thi này.

Giả sử nếu bỏ tổ hợp môn thi THPT Quốc gia thì các trường sẽ khó để lựa chọn đối tượng sinh viên họ cần.

Và điều này cũng khó ngay cả đối với thí sinh. Ví dụ, có những thí sinh chỉ học tốt được tổ hợp nhất định, định xét tuyển đại học tổ hợp đó, giờ buộc phải thi 3 môn Toán, Văn, Anh, lấy điểm xét tuyển đại học theo 3 môn này thì sẽ thiệt thòi.

Đồng quan điểm với cô giáo Đặng Thị Liễu, một giảng viên đại học cho biết, việc bỏ tổ hợp KHTN và KHXH với mục đích giảm tải và giảm áp lực cho thí sinh thì người đề xuất có lẽ không hiểu về giảm tải và về quan điểm kiểm tra đánh giá.

Giảm tải ở đây, là có thể tinh gọn lại chương trình, giảm tải kiến thức học kỳ 2 ở đề thi... Còn không thể bỏ thi tổ hợp.

Về vấn đề có cắt giảm các môn thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia 2020, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay kết quả của kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương, làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Thực tế, hầu hết các trường ĐH đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để tuyển sinh ở các mức độ khác nhau.

Thực hiện kết luận số 51 của ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia được giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020.

Và kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019.

Cát Cát