Giáo dục

Chuyên gia mách cách đăng ký nguyện vọng tăng cơ hội trúng tuyển

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Có một phương án “cấp cứu” cho các thí sinh, đó là khi không trúng tuyển vào hệ chính quy, thì vẫn có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào hệ “vừa học vừa làm”, để được học đúng ngành mình yêu thích.
Các thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường.

Các thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường.

Đa dạng về phương thức xét tuyển

Từ ngày 27/4 - 11/5, theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đồng thời đăng ký xét tuyển đại học - cao đẳng.

Năm nay, nhiều trường đã mở rộng, tăng thêm phương thức xét tuyển. Lựa chọn phương thức xét tuyển nào và đặt nguyện vọng ra sao để tăng được cơ hội trúng tuyển là mối băn khoăn của nhiều thí sinh.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, các trường ngày càng có chính sách đa dạng về phương thức xét tuyển.

Năm nay, Trường Đại học Ngoại thương có 6 phương thức xét tuyển, tăng thêm 1 phương thức so với năm 2020, đó là xét tuyển dựa trên kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM.

Muốn trúng tuyển vào bất kỳ một trường nào, điều lưu ý đầu tiên là các thí sinh phải đọc rất kỹ đề án tuyển sinh, trong đó, có các phương thức xét tuyển. Bởi vì, mỗi phương thức xét tuyển sẽ có thời gian, điều kiện, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các thí sinh nộp hồ sơ.

Và để tăng khả năng trúng tuyển vào một trường, thì khi khai trên các hệ thống xét tuyển trực tuyến, các em nên khai đầy đủ thông tin.

“Nghe tưởng đơn giản nhưng thực ra lại không đơn giản. Ví dụ, một bạn vừa có giải học sinh giỏi quốc gia, lại vừa có giải học sinh giỏi tỉnh, vừa là học sinh trường chuyên, hoặc lại có chứng chỉ EILT 6.0 trở lên thì nên khai hết những thành tích mình đã tích lũy trong những năm học vừa rồi. Bởi vì, đây có thể là điều kiện để các em được cộng thêm điểm”, bà Hiền nói.

Một điều các thí sinh cần lưu ý nữa, là các phương thức xét tuyển cũng theo thời gian. Cho nên, nếu những phương thức trước các em thấy rằng mình sẽ khó có khả năng trúng tuyển được, thì lại tiếp tục thực hiện các phương thức xét tuyển tiếp theo. Và khai thác hết những gì mà mình đã tích lũy trong những năm vừa qua.

Trong trường hợp, các em không có những thành tích, những điều kiện mà các trường đặt ra đối với các phương thức xét tuyển riêng, thì trước mắt các em vẫn còn một kỳ thi. Kỳ thi THPT trước mắt sẽ là cơ hội cho các em, chỉ cần các em có ý chí là sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

Năm ngoái, ngành Hàn Quốc học của nhiều trường lấy điểm rất cao. Vậy, giả sử yêu thích đối với ngành này, thì làm thế nào để có thể trúng tuyển và theo học? Trả lời câu hỏi này của học sinh, TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ngành Hàn Quốc học của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn năm ngoái lấy 30 điểm. Đối với Trường Đại học Hà Nội, tính trung bình cũng gần 9 điểm mỗi môn thi tốt nghiệp. Vậy, bạn nào muốn thi tiếng Hàn phải thực sự quyết tâm. Và điểm ngoại ngữ thường sẽ được nhân đôi, đây sẽ là một lợi thế. Khi nộp hồ sơ, các em nên nhìn phố điểm của các trường trong vòng 5 năm trở lại đây đối với ngành tiếng Hàn. Sau đó, xếp nguyện vọng từ trên cao xuống thấp. Trường nào thích nhất sẽ để nguyện vọng 1, sau đó đến trường thứ 2, trường thứ 3…

“Tuy nhiên, tôi có một phương án cấp cứu cho các bạn, đó là trong trường hợp các thí sinh không học được chính quy, thì vẫn có một số trường có dạy tiếng Hàn dưới dạng vừa làm vừa học, thường là học vào buổi tối. Với hệ này, chỉ xét tuyển bằng học bạ và xếp theo chỉ tiêu từ trên cao xuống dưới thấp. Như vậy, sẽ tăng cơ hội các em được học ngành mình yêu thích”, TS Nguyễn Thị Cúc Phương nói.

Có thể chọn ngành gần với ngành muốn vào

Một thí sinh thắc mắc, muốn vào ngành Marketing nhưng thấy điểm đầu vào cao, muốn định hướng học một ngành khác, sau đó sẽ bổ sung thêm kiến thức về lĩnh vực này thì có được không?

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc lựa chọn một ngành gần với ngành mình yêu thích mà không vào được là môt lựa chọn rất phù hợp.

Thường là các trường kinh tế đều có ngành Marketing, như vậy, khi vào học, sẽ học cùng lúc hai chương trình. Khi học một ngành gần, thì sẽ học thêm khoảng 50% kiến thức nữa.

Hoặc, có thể vào một trường mà ngành đó có điểm thấp hơn so với các trường “hot”. Ví dụ, Khoa Marketing của Đại học Kinh tế Quốc dân điểm khá cao. Tuy nhiên, có một số trường điểm thấp hơn, như Đai học Tài chính - Marketing, đào tạo cũng rất tốt, có thể là một địa chỉ hcho các em lựa chọn.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT lưu ý, thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào trường nào, phải vào trang web của đúng trường đó để đọc kỹ thông tin về phương thức xét tuyển, những điều kiện khi đăng ký xét tuyển.

Điểm mới trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển là ngoài đăng ký trên phiếu, sẽ có thể đăng ký online ở nơi có đủ điều kiện công nghệ thông tin. Các thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng.

Thí sinh có thể được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT và được điều chỉnh nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến để thí sinh chủ động hoàn toàn việc xếp thứ tự ưu tiên và mã ngành, trường, tránh sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Mai Loan