Đêm 3/1, trên trang cá nhân, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên đã đăng status "nói rõ" về bài viết gây xôn xao mạng xã hội hôm trước liên quan vụ việc cháu bé 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành tử vong.
Theo đó, vị chuyên gia giáo dục này cho biết đã có người chụp lại phần đầu của bài viết để "xuyên tạc", hiểu không đúng về nội dung bài viết. Bà Tô Thụy Diễm Quyên khẳng định "không hề bênh vực cô dì ghẻ, và không hề muốn cô thoát tội như ai đó đã bịa chuyện".
Cụ thể, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên viết: "Hôm qua, tôi có lý giải về hành vi của cô "dì ghẻ" đứng ỏ góc độ tâm lý của hành vi khi bị thiếu kỹ năng kiểm soát. Tuy nhiên, có người chụp lại phần đầu của bài viết để xuyên tạc là tôi bênh vực cô ta. Nếu ai bị người này giựt dây để tức giận thì tôi xin lỗi đã không để bài cho các bạn xem đầy đủ.
Là người thường xuyên chứng kiến bạo lực gia đình nên tôi thấu hiểu cả người đánh lẫn người bị đánh. Tôi không hề bênh vực cô "dì ghẻ" và không hề muốn cô thoát tội như ai đó đã bịa chuyện".
Cũng tại bài đăng này, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho hay sẽ nhờ luật pháp can thiệp để tìm ra người cố tình bịa chuyện lôi kéo người tấn công bà.
Đồng thời, bà cũng gửi lời cảm ơn người đã đọc đủ nội dung bài viết và "hiểu rằng bài viết của tôi chỉ bàn về việc vì sao cha mẹ đánh con", bà Tô Thụy Diễm Quyên bày tỏ.
Trước đó, trên trang cá nhân, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên viết:"Trong cơn cuồng nộ của xã hội đòi tử hình dì ghẻ tôi chợt thấy thương lẫn trách cha mẹ của cô ấy. Ở tuổi này làm gì đã biết dạy con mà lại phải nuôi dạy đứa trẻ không phải con ruột của mình. Chính vì áp lực ấy cô lúc nào cũng như lên cơn điên với em bé. Khi hành xử trong cơn điên người ta không thể kiểm soát được hành vi.
Cô dì ghẻ không hề nghĩ mình đang làm sai mà chỉ vì cô ấy thiếu kỹ năng giáo dục trẻ và đang nghĩ mình làm đúng. Cô cũng giống như nhiều cha mẹ ruột khác từng cho rằng phải đánh trẻ thì mới dạy được con. Trong lúc đánh bé cô như một con thú. Đây là trạng thái mất kiểm soát của nhiều người lớn khi đánh con mình.
Tôi nhiều lần chứng kiến những ông bố vác dao, gậy, thắt lưng rượt theo đánh con. Có lần đứa bé chạy vào trường để trốn cha vì nhà học sinh tôi gần trường. Ông bố rượt theo và bị bảo vệ cản vì lúc đó ông sẵn sàng giết con".
Từ những phân tích đó, chuyên gia giáo dục cảm thấy tiếc cho Nguyễn Võ Quỳnh Trang và cho rằng đó là một cô gái xinh đẹp nhưng thiếu kiểm soát hành vi bản thân.
Dẫn từ câu chuyện của mình, chuyên gia giáo dục này cho rằng, khi chưa cưới mà "dì ghẻ" đã phải làm vợ, làm mẹ thì vấn đề còn nằm ở giáo dục của gia đình cô này.
Ngoài ra, chuyên gia giáo dục cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự việc không chỉ riêng cha mẹ và dì ghẻ Quỳnh Trang mà là lỗi của nhiều người.
Theo đó, giá như mẹ ruột bé A. lo lắng rằng dì ghẻ còn quá trẻ không biết dạy con mình, giá như cả gia đình bên nội, ngoại theo sát sao cháu mình.
Vị chuyên gia này cũng bày tỏ quan điểm: "Bạn có quyền bức xúc nhưng không có quyền phán tội chết cho bất cứ ai. Nếu bạn đòi giết ai đó vì cho rằng họ có tội thì bạn cũng giống như cô dì ghẻ đánh bé vì cho rằng bé cần phải bị đánh để ngoan.
Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, không ai có quyền quyết định cuộc đời ai cả ngoài cuộc đời của chính mình. Xã hội bạo lực khi mà mọi người đều biến thành quan tòa ùn ùn đòi tử hình người khác. Điều đó chỉ nên thuộc về luật pháp.
Quan điểm của chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên ngay lập tức đã gây tranh cãi trái chiều trên mạng xã hội. Trong đó, có ý kiến ủng hộ về việc cần có góc nhìn đa chiều.
Cũng có ý kiến cho rằng, bởi bài viết đã đăng trước đó về việc cháu bé bị bạo hành của chuyên gia này đã không còn tìm thấy, cho nên nhiều người đã không được đọc trọn vẹn toàn bộ bài viết của bà, từ đó có thể dẫn tới hiểu sai lệch ý bà muốn nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ khi cho rằng, chuyên gia giáo dục này đã bênh vực "mẹ kế" tàn ác kia, đó là điều không thể chấp nhận được, đặc biệt là với một người làm giáo dục như bà.
Nhiều ý kiến cho biết, không cần kỹ năng giáo dục trẻ, thì một con người với tấm lòng lương thiện không ai ra tay tàn ác như hành vi của Trang đã làm với con chồng. Ngoài ra, Trang đã 26 tuổi, đã đủ tuổi để nhận thức rõ về hành vi của mình. Những hành vi tàn ác của Trang đáng bị lên án và nghiêm trị bởi pháp luật, không thể bao biện bởi bất kỳ lý do nào.
Hiện tại, cả hai bài đăng của bà Tô Thụy Diễm Quyên đã không còn tồn tại.
Được biết, bà Tô Thụy Diễm Quyên là một trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu.