Y học và đời sống

Chườm muối ngải cứu giảm đau xương khớp

Bệnh nhân đau xương khớp, cột sống có thể sử dụng ngay nguyên liệu có trong bếp như muối và ngải cứu để thoát khỏi cơn đau, tăng cường dịch khớp, giúp chuyển động dễ dàng. Đây là bài thuốc đơn giản nhưng không phải ai cũng biết cách làm sao cho khoa học.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/muoi-11.jpg

Muối, ngải cứu tốt cho bệnh xương khớp.

Muối đưa ngải cứu vào thận tạng

Khi bị đau xương khớp không nhất thiết phải phụ thuộc vào thuốc, thay vào đó có thể sử dụng bài thuốc Đông y đã được cha ông truyền lại, trong đó có bài thuốc sử dụng muối và ngải cứu.

Theo BS Trịnh Thị Hương Giang, Phòng Đào tạo, Viện Y học Cổ truyền Việt Nam, đây là bài thuốc có hiệu quả không chỉ giảm đau mà còn tăng cường cơ xương khớp về lâu dài.

Phân tích cụ thể, vị chuyên gia cho hay, ngải cứu là vị thuốc có tác dụng trừ phong thấp, hoạt huyết, trừ phong và an thai. Đặc biệt rất hiệu quả trong điều trị đau xương khớp với chất tanin có trong lá ngải cứu. Trong khi muối có vị mặn nên đi sâu được vào thận.

Thận trong y học cổ truyền là chủ cốt tủy. Khi muối và ngải cứu kết hợp với nhau sẽ tạo nên bộ đôi hỗ trợ để đưa các chất của ngải cứu đi thẳng vào  thận để tăng tác dụng từ đó lan sang xương tủy.

BS Trịnh Thị Hương Giang phân tích: Đau xương khớp có nhiều nguyên nhân như do thận tạng yếu, ứ tắc khí huyết tại một điểm hoặc phong hàn… Muối khi kết hợp với ngải cứu sẽ giúp giải quyết các vấn đề này. Ví dụ như muối sẽ đưa tinh chất ngải cứu đi vào thận tạng từ đó giúp giảm đau ở xương khớp. Đồng thời, khi chườm muối ngải cứu tại chỗ đau cũng sẽ giúp máu huyết lưu thông, tạo nên sự tuần hoàn tốt nên tránh được tình trạng ứ, tắc tại các điểm đau.

Ngoài ra, ngải cứu cũng giúp trừ phong giảm đau và tê bì. Nhất là ngải cứu khi đi vào cơ thể sẽ kích thích sản sinh ra chất dịch giúp các khớp chuyển động tốt hơn. Vì thế, khi bị đau xương khớp, nhất là người cao tuổi chườm ngải cứu và muối sẽ rất hiệu quả.

Mỗi túi ngải cứu muối có thể sử dụng khoảng 3 – 4 đợt chườm nóng. Sau khi dùng có thể bảo quản nơi khô ráo, sạch sẽ để dùng lại lần sau. Tất nhiên nhiệt độ nóng cần phù hợp với cơ địa từng người, miễn sao tránh quá nóng gây bỏng da”.

BS Trịnh Thị Hương Giang

Tận dụng lò vi sóng để làm nóng

Ở góc độ khác, lương y Nguyễn Hải, Hội Đông y Việt Nam cho rằng, dù phương pháp này đơn giản nhưng nếu không làm đúng cách sẽ khó mang lại hiệu quả cao.

Theo đó, để áp dụng, nên cân bằng lượng ngải cứu và muối như một kg ngải cứu cũng cần khoảng 1kg muối (có thể muối hạt hoặc muối tinh). Khi làm cần hòa muối với ít nước ở độ hòa tan, sau đó ngâm ngải cứu (cắt nhỏ) vào và để qua khoảng một đêm.

Với cách làm này, muối và ngải cứu sẽ có độ thẩm thấu vào nhau nhằm tăng tác dụng. Khi dùng, cần vắt khô ngải cứu, đem rang hoặc làm nóng để cho vào túi vải dày chườm lên vùng đau.

Đối với các gia đình có lò vi sóng có thể tận dụng để làm nóng muối và ngải cứu mà không cần rang như truyền thống. Với khoảng 10 phút làm nóng là đã có thể đưa ra để dùng, sau khi nguội lại cho vào để hâm lại.

Hà Linh