Bệnh nhân đến viện khám do đau tức ngực, phải dùng kháng sinh và thuốc giảm đau song tình trạng không cải thiện. Trước đó, chị tiêm chất làm đầy (filler) nâng ngực tại một spa với giá 20 triệu.
Bác sĩ Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, cho biết hai bầu ngực của người bệnh bị cương cứng, ngực trái hoại tử sắp vỡ, ngực phải bắt đầu có dấu hiệu hoại tử da, cứng ngắc.
Kết quả siêu âm, chụp cộng hưởng cho thấy chị bị áp xe, hoại tử mô vú hai bên. Nguyên nhân do tiêm filler không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vô khuẩn và đúng kỹ thuật.
Sau hội chẩn, các bác sĩ rạch chích mủ làm sạch tổ chức, loại bỏ ổ viêm, hoại tử và filler không rõ nguồn gốc, kết hợp dùng kháng sinh theo phác đồ. Bệnh nhân may mắn không phải cắt bỏ ngực. Theo bác sĩ Ninh, bệnh nhân cần theo dõi trong thời gian dài mới có thể đánh giá có ổn định hay không, do nguy cơ tái phát cao.
"Hiện chưa có loại filler nào đảm bảo an toàn tuyệt đối để nâng ngực, do đó các chuyên gia không khuyến khích thực hiện theo cách này", bác sĩ nói. Ngoài ra, filler chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, nếu muốn duy trì kết quả cần phải tiêm nhiều lần, chi phí tốn kém. Tiêm thường xuyên có thể khiến ngực bị nhão, chảy xệ và mất tính đàn hồi.
Bên cạnh đó, ông Ninh cho hay filler tiềm ẩn nhiều nguy cơ, để lại hậu quả nặng nề, tổn thương tàn phế vĩnh viễn một số chức năng cơ thể, thậm chí tử vong nếu kỹ thuật viên không tuân thủ nguyên tắc chuyên môn hoặc chưa qua đào tạo.