Giáo dục

Chồng đánh vợ trước mặt con: Tổn thương không đong đếm được

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, khi chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, đứa trẻ sẽ bị tổn thương tâm lý nặng nề. Giáo dục một đứa trẻ phải bắt đầu từ chính hành vi của người lớn.

Cha mẹ sinh con, cha mẹ sinh tính

Sự việc nữ công an chửi bới nhân viên sân bay và clip võ sư đánh vợ đang bế con nhỏ trên tay đã làm dấy lên lo ngại về tác động từ cách hành xử xấu của người lớn đối với việc giáo dục con trẻ. Bà có suy nghĩ gì về điều này?

Con trẻ được dạy từ trong bụng mẹ, chứ không phải chờ tới khi ra đời mới dạy. Điều này được gọi là thai giáo. Một đứa trẻ ở trong bào thai đã biết cảm nhận theo cách của trẻ nếu được yêu thương, âu yếm. Cho nên, nếu bố mẹ có kiến thức thì sẽ phải trân trọng sinh mệnh ấy, có ý thức giáo dục con ngay từ khi cái thai được hình thành.

Việc bố mẹ đánh chửi nhau, có những hành vi xấu trước mặt con sẽ gây nên những tác hại khôn lường đối với đứa trẻ.

Những tác hại đó là như thế nào, thưa bà?

Đầu tiên là những tổn thương về mặt tinh thần. Ví dụ, vụ việc ở sân bay, người mẹ bị đưa ra chế giễu, đàm tiếu, đứa con rồi sẽ cảm thấy xấu hổ, nhất là khi bị các bạn ở trong lớp trêu chọc.

Còn khi bố mẹ đánh chửi nhau trước mặt con, đứa trẻ sẽ vô cùng sợ hãi, buồn. Chúng bịt tai, nhắm mắt, chính là cố để ngăn những tổn thương trong lòng. Trẻ sẽ đặt ra trăm nghìn câu hỏi: Vì sao bố mẹ các bạn vui vẻ, hạnh phúc, mà bố mẹ mình lại như thế này?

Nhiều trường hợp tôi tư vấn trẻ rơi vào hận bố mẹ. Có một số trường hợp rơi vào bệnh trầm cảm. Kể cả đối với đứa trẻ vài tháng tuổi trên tay người mẹ kia, những tác hại cũng không thể nào đo đếm được.

Đặc biệt, là trong giáo dục trẻ, thì hành vi của cha mẹ sẽ tựa như một tấm gương để con noi theo. Gương mà xấu thì dễ làm hỏng đứa trẻ.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.

Tức là những ảnh hưởng đó sẽ rất lâu dài?

Sẽ đến suốt cả cuộc đời đứa trẻ. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có bạo lực sau này lớn lên sẽ khó có tâm lý cân bằng, cuộc sống bình yên như những trẻ sinh ra trong những gia đình hạnh phúc. Thậm chí, trẻ cũng có xu hướng bạo lực.

Có câu nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, nhưng theo tôi, cha mẹ sinh con, cha mẹ sinh tính. Để giáo dục được Con Người vừa dễ lại vừa khó là vì vậy.

Nếp nhà quan trọng

Người chồng võ sư đánh vợ đang bế con nhỏ khi trả lời báo chí đã thừa nhận có tát vợ vài cái, và việc vợ chồng thi thoảng có đánh mắng nhau cũng là bình thường. Bà có suy nghĩ gì về điều này?

Hành vi của anh chồng ở đây cùng một lúc đã phạm vào rất nhiều luật: Luật dân sự; Luật bảo vệ trẻ em; Luật bình đẳng giới, thậm chí cả về Luật hình sự nữa, không thể nói là bình thường được.

Cho nên, nói vì sao hiện nay người trẻ không tôn trọng người già, đạo đức xuống cấp… theo tôi, nó bắt nguồn nhiều từ hành vi của người lớn đã “lệch chuẩn”, mà lệch từ trong suy nghĩ, nhận thức, như anh chồng kia.

Như bà nói, mọi cái đều bắt đầu từ giáo dục gia đình?

Giáo dục gia đình chính là cái gốc, mà xưa các cụ gọi là nếp nhà. Vẫn có câu nói: “Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống” là vì thế. Khi dựng vợ, gả chồng cho con cái, sẽ phải xem truyền thống gia đình đó thế nào, từ việc bố mẹ đối xử với nhau ra sao, rồi nếp ăn, nếp ở.

Có câu chuyện thế này, một chàng trai có ý muốn tìm hiểu, một hôm đã tìm tới thăm nhà cô gái. Khi tới ngõ, hỏi thăm nhà, mọi người chỉ đường rồi bảo: có khi vào bố mẹ cô ấy đang chửi nhau. Sự thực đúng là như vậy, cô gái phải xin cha mẹ thôi đừng cãi nhau nữa, để con còn tiếp khách. Sau đó, chàng trai đã rút lui.

Giống như trong câu thơ chế rằng: “Hôm qua anh tới thăm nhà, thấy mẹ húp cháo, thấy cha cạo nồi/thấy em ngồi cửa gặm muôi/anh vào tới ngõ anh lùi trở ra”.

Cần giáo dục cho phụ nữ biết trân trọng bản thân

Dù bị chồng đánh đập, nhưng nhiều phụ nữ vẫn lựa chọn sự ở lại, chấp nhận, cam chịu, trong đó có lý do để giữ cho con một gia đình đủ bố và đủ mẹ. Ý kiến của bà thế nào?

Đánh đập, bạo hành vợ đương nhiên là sai. Nhưng ở đây có hai trường hợp: Một là người chồng đó do bệnh lý, tổn thương nào đó về mặt tâm thần, hoặc do sự cố nào đó, sau khi đánh vợ có hối hận, hứa sửa chữa, và anh ta thực hiện được lời hứa đó, thì cũng có thể cho nhau thêm cơ hội.

Còn trường hợp không hề ăn năn, cho đó như chuyện “bình thường” thì đừng nên cố chịu đựng. Vì như tôi đã nói, chứng kiến cảnh bố mẹ hằng ngày cãi, đánh nhau, tổn thương đối với đứa trẻ có thể theo suốt cuộc đời.

Có nghĩa là, không nên giữ một gia đình đầy đủ bố mẹ nếu chỉ trên danh nghĩa?

Đúng như vậy. Và người phụ nữ ở đây cần phải hiểu rằng, đời con người chỉ sống có một lần, tuổi trẻ cũng chỉ có một lần, tạo hóa ban cho, sao phải chịu đựng, sống bên cạnh một người luôn chà đạp, hành hạ mình? Ở đây, vừa là quyền lợi của bản thân mình, vừa là quyền lợi của con cái. Ly hôn, dù con chỉ ở với mẹ, nhưng đứa trẻ ngày ngày vui vẻ còn hơn sống trong cảnh luôn phải bịt tai, nhắm tịt mắt, bị tổn thương từ những mâu thuẫn của bố mẹ.

Theo bà, suy nghĩ chấp nhận, cam chịu của người phụ nữ xuất phát từ đâu?

Một phần theo tôi là từ những tư tưởng của xã hội cũ còn rơi rớt lại. Nhưng nó cũng bắt nguồn từ chưa được giáo dục tốt. Cần phải giáo dục cho phụ nữ biết trân trọng bản thân mình, có ý thức về giá trị bản thân mình.

Trân trọng cảm ơn bà!

Có nhiều trường hợp đến tư vấn tâm lý mang theo con, khi người mẹ “kể tội” chồng, tôi thường phải nói nhân viên dẫn đứa trẻ đi chỗ khác. Bởi, khi chứng kiến cảnh bố mẹ mắng chửi, đánh nhau ở nhà, đứa trẻ đã chịu tổn thương rồi. Tôi không muốn trẻ lại chịu tổn thương thêm một lần nữa từ câu chuyện của mẹ.  

Mai Nguyễn