Giáo dục

“Chiến thuật” thay đổi nguyện vọng đạt hiệu quả cao

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Trước một “rừng” các thông tin nhiều khi gây nhiễu loạn, việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học cũng cần “chiến thuật” để vừa đảm bảo đậu đại học, vừa được học ngành mình yêu thích.

Nhóm các ngành yêu thích

Không còn nhiều thời gian để các thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học. Tuy nhiên, có không ít thí sinh vẫn còn khá hoang mang trong việc lựa chọn ngành học cũng như trường học cho mình. Đặc biệt, là lo có thể trượt đại học. Vậy, làm thế nào để có thể thay đổi nguyện vọng đạt được hiệu quả như mong muốn?

Theo PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, để đưa ra quyết định đúng đắn trong việc thay đổi nguyện vọng, điều quan trọng nhất là thí sinh cần nắm vững các quy tắc, nguyên tắc và thông tin.

“Việc đầu tiên, các em cần phải đọc kỹ quy định xét tuyển của Bộ GD&ĐT, xem nguyên tắc xét tuyển như thế nào.

Trong thời gian qua chúng tôi vẫn nhận được những câu hỏi chứng tỏ các em chưa nắm vững: Ví dụ nhà trường có tuyển nguyện vọng 4, 5 không. Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh được phép đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Và nguyên tắc xét tuyển là xét từ nguyện vọng trên cao xuống. Nếu đủ điểm chuẩn sẽ trúng tuyển.

Thứ 2 là phải khoanh vùng được các chương trình đào tạo, các nhóm ngành mà các em yêu thích. Phải tìm hiểu kỹ, chứ không nên chỉ dựa vào một tên gọi.

Ví dụ, có những chương trình đào tạo tương tự, nhưng thực ra tên gọi khác đi, mà điểm chuẩn lại có thể phù hợp với khả năng điểm thi THPT Quốc gia của các em, thì các em cũng cần tìm hiểu.

Và thứ 3 là về dự báo điểm chuẩn của các trường”, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh chia sẻ.

Nói về việc vì sao lại phải phân loại các nhóm ngành, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - giảng viên môn Hóa tại Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn chia sẻ: Thực tế hiểu biết của mỗi người về từng ngành học cụ thể khá hạn hẹp. Do đó, không nên bó buộc vào một ngành cụ thể mà hướng về một nhóm ngành gần gũi nhau.

Ví dụ, các bạn thích Y thì Đa khoa - Răng (thậm chí Y Cổ truyền) có thể đặt chung một nhóm; các bạn chọn Công nghệ thông tin thì có thể thêm Tự động hóa, Điện tử - Viễn thông; các bạn chọn Kế toán - Kiểm toán thì có thể thêm Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm; các bạn chọn Công nghệ sinh học thì có thể chọn Thực phẩm - Môi trường…

Việc phân loại như vậy sẽ khiến các thí sinh dễ hình dung được công việc mà mình sẽ gắn bó trong tương lai và định hướng chúng một cách tốt hơn.

Chọn ngành theo năng lực bản thân

TS Trần Thanh Huyền, Học viện Tài chính chia sẻ, trong ngày hội tuyển sinh, câu hỏi mà các thầy cô trong ban tuyển sinh nhận được nhiều nhất là em được từng này điểm thì liệu đỗ được vào ngành nào trong trường? Tức là mục tiêu của các em là đỗ đại học đã, vào được trường đã, còn ngành nào cũng được.

Ví dụ, các em muốn vào một trường nào đó thì nguyện vọng muốn “phủ sóng” tất cả các ngành phù hợp với điểm của trường. Chứ không phải muốn chọn học ngành Tài chính ngân hàng, thì NV1 vào HV Tài chính, NV2 chọn của Học viện Ngân hàng, NV3 của Kinh tế quốc dân.

Đối với hoạt động tuyển sinh, theo TS Huyền, điều này cũng mang sự tích cực nhất định. Vì các trường sẽ tuyển được các sinh viên chất lượng theo kiểu “lọt sàng xuống nia”, sinh viên có điểm tốt không học ngành này thì ngành kia.

Tuy nhiên, điều mà các thầy cô muốn hướng tới đối với sinh viên vẫn là chọn ngành nghề theo năng lực, sở thích của bản thân. Chứ không phải chọn ngành theo các trường xếp trong top.

Nói về việc lựa chọn trường của các thí sinh, theo thầy Vũ Khắc Ngọc, mỗi trường đều có những thế mạnh đào tạo về ngành nào đó, nên khi chọn ngành, thí sinh cần chọn đúng trường có tiếng về ngành đó.

Ví dụ về ngành Công nghệ thông tin, thí sinh có thể chọn ĐH Bách Khoa, ĐH Công nghệ ĐH Quốc Gia; về Kiểm toán - Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, nên ưu tiên Quản trị kinh doanh, Ngoại thương, Học viện Tài chính...

Các ngành khoa học cơ bản và khoa học công nghệ, mang tính ứng dụng cao (trong các lĩnh vực Toán học, Toán cơ, Toán - Tin ứng dụng, Máy tính và Khoa học thông tin; Vật lý học...) có thể chọn ĐH Khoa học Tự nhiên.

Khi chọn đúng ngành thuộc về lĩnh vực “đỉnh cao” của trường, thí sinh sẽ nhận được những lợi ích “đỉnh cao” trong việc đào tạo. Tuy nhiên, không có nghĩa trường sẽ mạnh về tất cả các ngành.

Đặc biệt, điểm xét tuyển của những trường top thường khá cao, do đó, cần chuẩn bị thêm phương án 2, phương án 3, và chọn theo nhóm ngành như đã nói.

Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là Y, hãy thêm phương án 2 là Công nghệ sinh học, Thực phẩm, Môi trường và có thể chọn Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Nông nghiệp...

Và điều quan trọng là các em cần đánh giá đúng năng lực của bản thân, xem mình phù hợp với ngành nào nhất.

TS Trần Trung Kiên, Trưởng Phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Tôi cũng vẫn khuyên các em nên chọn ngành trước. Vì ngành gắn với nghề nghiệp về sau. Và đừng vì danh tiếng trường nọ trường kia mà vào.
Ví dụ các em muốn chọn ngành điều khiển tự động hóa, thì bước thứ nhất là các em chọn ngành, bước thứ hai các em chọn trường. Ví dụ, điều khiển tự động hóa có ở đâu? Thứ nhất là Bách khoa Hà Nội, ngoài ra còn có ở ĐH Giao thông, Mỏ, hoặc Bách khoa Đà Nẵng hoặc Bách khoa TPHCM. Các em xem dự báo các trường như thế nào, xem tầm điểm của mình có thể nộp được vào đâu.

Đặt nguyện vọng 1 là ngành mình yêu thích nhất

Có không ít thí sinh đến thời điểm này vẫn băn khoăn không biết có nên thay đổi nguyện vọng của mình hay không. Theo PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu như thí sinh thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không nên thay đổi nguyện vọng của mình:

Thứ nhất, về điểm thi, căn cứ vào mức điểm sàn và dự báo điểm chuẩn của trường, so sánh với mức điểm chuẩn năm trước, điểm thí sinh nằm trong ngưỡng ổn định, “an toàn”.

Thứ hai, cho tới thời điểm hiện tại, thí sinh không yêu thích ngành học nào đó một cách đột biến.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, năm ngoái, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có một số trường hợp, sau khi trúng tuyển vào trường rồi mới phát hiện ra, trong đợt điều chỉnh nguyện vọng tháng 7, do tính toán không kỹ hoặc dao động tâm lý nên đã thay đổi nguyện vọng không chuẩn xác.

Lẽ ra nguyện vọng mà mình thích nhất (đang đặt ở nguyện vọng 1) thì lại đảo nguyện vọng, chuyển xuống thứ 2 hoặc thứ 3 gây nuối tiếc.

Cho nên, các em cần nhớ, đầu tiên các trường sẽ xem xét nguyện vọng 1 của thí sinh, sau đó mới xét các nguyện vọng tiếp theo.

Vì vậy, trên cơ sở điểm thi của mình, các em nên đặt nguyện vọng 1 là ngành nghề mình yêu thích nhất.

Và không nên chỉ vì dao động tâm lý, mà thay đổi nguyện vọng của mình, để lại những nuối tiếc.

Theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, các bạn hãy lấy mức điểm mục tiêu của mình là điểm chuẩn rồi rải nguyện vọng ra xung quanh với mức điểm thêm hoặc bớt từ 0,5 đến 1 điểm.
Ví dụ nếu bạn dự tính điểm của mình có thể đạt được là 24, bạn rải nguyện vọng theo thứ tự: nguyện vọng một là 26,5 điểm, nguyện vọng 2 là 26 điểm, nguyện vọng 3 là 25,5 điểm. Khoảng cách như vậy đủ để "cầu may", cũng đủ để phòng trừ rủi ro cho các bạn.
Mai Loan