Giáo dục

Chiến thuật giành điểm cao kỳ thi vào lớp 10 THPT

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Nhiều học sinh ra khỏi phòng thi yên tâm làm bài rất tốt, nhưng khi nhận điểm lại bất ngờ vì điểm kém. Lại có học sinh mất tinh thần ngay từ câu hỏi đầu tiên…

Môn Văn: Đọc kỹ đề, có kỹ thuật trình bày

Cô giáo Hà Song Hải Liên, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn THCS, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội chia sẻ, có nhiều lỗi khiến học sinh mất điểm khi làm bài thi Ngữ văn, kỳ thi vào lớp 10 THPT.

Trong đó, đối với viết đoạn văn, lỗi phổ biến nhất là học sinh không đọc kỹ đề, không nắm được đúng trọng tâm, yêu cầu của đề, hoặc học "tủ" nên lúng túng.

Thứ hai, học sinh bỏ qua, không xác định các yếu tố tiếng Việt. Lỗi này mất 0,5 điểm – rất đáng tiếc vì điểm này lẽ ra rất dễ dàng có được.

Ví dụ, trong viết đoạn, sẽ có yêu cầu: trong đoạn có sử dụng một phép nối liên kết, hoặc một câu có thành phần biệt lập, phụ chủ, yêu cầu chú thích, gạch chân các câu đó. Nhưng nhiều học sinh không làm, bỏ qua ý này.

Thứ ba, học sinh hay bị sót câu hỏi, sót ý. Một câu hỏi có thể có 2 ý, hoặc 3 ý, nhưng các em bỏ sót, chỉ làm 1.

Đặc biệt, nhiều em không có kỹ thuật trình bày. Một câu hỏi có nhiều ý, mỗi một ý cần xuống dòng, gạch đầu dòng. Nhưng nhiều thí sinh cứ viết dằng dặc cả đoạn dài, trong khi đề không hề yêu cầu viết đoạn văn. Điều này dẫn đến việc, giáo viên chấm có thể bỏ sót câu trả lời của thí sinh.

Chẳng hạn, câu hỏi: Truyện kể ở ngôi thứ mấy – thí sinh sẽ gạch đầu dòng thứ nhất; Hỏi: Tác dụng của ngôi kể và người kể là gì – xuống dòng trả lời tiếp. Hoặc về lời nói của Vũ Nương (Chuyện Người con gái Nam Xương) có thể có những câu hỏi: Đây là lời dẫn trực tiếp hay gián tiếp? Lời của ai nói với ai? Nói trong hoàn cảnh nào? Thậm chí, có một câu hỏi vụn nữa: Qua lời kể ấy để biết nhân vật là người như thế nào?... Khi trả lời mỗi câu hỏi thí sinh đều nên xuống dòng, gạch đầu dòng.

Một điểm cần lưu ý nữa, đó là thí sinh phải có kỹ thuật đọc hiểu văn bản. Theo đó, mỗi một thể loại phải có kỹ năng đọc hiểu riêng.

Ví dụ, đối với văn bản thơ thì đọc thế nào, học sinh phải nắm đặc trưng về thể loại.

Thí sinh cũng cần nắm vững, có kỹ thuật trả lời đối với mỗi dạng câu hỏi. Những câu hỏi mang tính chất giải thích khác với câu hỏi tái hiện kiến thức bình thường.

Chẳng hạn, câu hỏi: Hãy kể lại tình huống truyện sẽ khác với câu hỏi: Việc tạo ra tình huống như vậy có ý nghĩa gì? Hoặc câu hỏi: Nêu ý nghĩa, nhan đề của truyện sẽ  khác với câu hỏi: Tại sao tác giả lại đặt nhan đề là thế này mà không phải là thế kia? (Như vì sao nhà văn Kim Lân không đặt là Làng Chợ Dầu, mà lại là Làng?).

Như vậy, vẫn là cùng kiến thức đó, nhưng chỉ cần câu hỏi lái đi một chút đã thay đổi kỹ thuật trả lời rồi. Với câu hỏi mang tính chất giải thích, học sinh phải biết giải thích nếu đặt nhan đề “thế này”, sẽ có những hạn chế nào so với đặt “thế kia”, từ đó chỉ ra vì sao lại không thể đặt như vậy.

“Nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi cảm thấy rất yên tâm là đã làm tốt, nhưng đến khi nhận điểm thi lại kém. Không phải là học sinh chỉ cần học thuộc kiến thức là xong, mà phải biết vận dụng kiến thức ấy vào trong câu trả lời và phải có các kỹ năng”, cô Liên nói.

Theo cô Hà Song Hải Liên, trong giai đoạn này, thời gian còn rất ngắn, thí sinh cần phải biết hệ thống kiến thức, sơ đồ hóa kiến thức. Và không nên “học tủ". Bởi đề sẽ có khoảng 50% ngoài sách giáo khoa. Thay vào đó, học sinh phải rèn kỹ năng như đã nói. Thời điểm này mỗi học sinh sẽ hơn nhau ở ý chí, nghị lực và quyết tâm. Em nào dù học tốt nhưng “buông” thì kiến thức sẽ trôi mất. Nhưng em nào tự giác, cố gắng sẽ "bật" lên.

Môn Toán: Cần đọc lướt toàn bộ đề trong 5 phút

TS Nguyễn Đình Hùng, Đại học FPT chia sẻ, để đạt điểm 9, 10 môn Toán, học sinh phải có nền tảng học tốt từ lớp dưới. Còn để làm được từ 7 - 8 điểm chủ yếu các em chỉ cần nắm vững kiến thức lý thuyết sách giáo khoa lớp 9.

Khi làm bài môn Toán, các em thường mắc lỗi là không đọc toàn bộ đề bài mà lập tức làm luôn câu 1. Câu 1 thường chia làm ba ý: a, b,c, trong đó, câu c khó, thường dành cho học sinh giỏi. Khi học sinh không làm được sẽ dẫn đến mất tâm lý, những câu sau bị ảnh hưởng.

Thay vào đó, các em nên dành thời gian khoảng 5 phút đọc lướt một lượt từ đầu đến cuối tất cả các câu hỏi của đề bài. Trong quá trình đọc, học sinh sẽ tự nhớ lại được các kiến thức. Và trong khi làm các câu dễ các em sẽ bình tĩnh lại. Theo đà, các em sẽ làm được câu khó hơn.

Kiến thức thi vào lớp 10 THPT chủ yếu rơi vào lớp 9 (chiếm 90%). Chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ thi, trong thời điểm này, các em cần phải hệ thống lại những kiến thức nền tảng của lớp 9 trong SGK, đặc biệt là chương 1 rất quan trọng. Các em nên tìm đề thi của các năm trước, tự giải đề, xem sức mình đến đâu, kiến thức, kỹ năng nào còn yếu, cần bổ sung… để kịp thời điều chỉnh.

Năm nay, do hoàn cảnh dịch bệnh, đề thi chắc chắn cũng sẽ vừa sức học sinh, giống như năm ngoái, nhưng đề cũng sẽ vẫn có tính phân hóa, Trong đề thi, những câu cuối cùng thường là nâng cao, các em không cần tập trung vào đó nhiều, sẽ mất thời gian. Chỉ cần cố gắng làm tốt những câu thuộc diện kiến thức cơ bản, là đã đạt được 8 điểm.

Mai Nguyễn