Dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh vảy nến

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Bệnh vảy nến là một bệnh da mãn tính, liên quan đến rối loạn miễn dịch, gây ra các mảng da đỏ, dày và có vảy. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Theo chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh vảy nến (Psoriasis) là một bệnh da mãn tính, không lây nhiễm, liên quan đến rối loạn miễn dịch, đặc trưng bởi các mảng da dày, đỏ và có vảy bạc.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Hiện tại, bệnh vảy nến không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát triệu chứng bằng các liệu pháp. Chế độ ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát triệu chứng, giảm nguy cơ bùng phát bệnh và tăng cường chất lượng cuộc sống.

Bệnh vảy nến xảy ra khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức, dẫn đến quá trình tăng sản tế bào da nhanh chóng. Có thể kiểm soát triệu chứng bằng các liệu pháp: Thuốc bôi ngoài da (Corticosteroid, vitamin D3, kem dưỡng ẩm); thuốc uống hoặc tiêm (Methotrexate, cyclosporine, thuốc sinh học); liệu pháp ánh sáng; đặc biệt chế độ ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh.

Nguyên tắc chế độ dinh dưỡng

Giảm viêm, tăng cường hệ miễn dịch

Vảy nến là một bệnh tự miễn thường đi cùng với viêm. Các thực phẩm chống viêm có thể giúp giảm sự viêm nhiễm, hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh và hạn chế các đợt bùng phát.

Duy trì cân nặng hợp lý

Thừa cân, béo phì là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc vảy nến. Do vậy, Cần kiểm soát calo hợp lý, ưu tiên thực phẩm ít chất béo xấu và giàu chất xơ… để duy trì cân nặng hợp lý.

Hỗ trợ chức năng gan và thải độc

- Uống đủ nước (2 - 2,5 lít/ngày).

- Bổ sung thực phẩm tốt cho gan.

Bổ sung vitamin và khoáng chất quan trọng

- Vitamin D: giúp giảm viêm, có thể bổ sung từ ánh nắng mặt trời hoặc thực phẩm như cá béo, trứng, nấm. Liều vitamin D được khuyến nghị cho người bệnh vảy nến chưa có nhiều tài liệu đề cập đến, tuy nhiên một số nghiên cứu sử dụng liều 1000 UI/ ngày, trong 12 tuần và cho hiệu quả cải thiện bệnh.

- Kẽm: hỗ trợ miễn dịch, có trong hàu, hạt bí, thịt gà, đậu lăng. Liều kẽm được khuyến nghị như liều thông thường, tránh tình trạng thiếu kẽm trên người bệnh vảy nến, trung bình 10mg/ ngày

- Selenium: giúp chống oxy hóa, có trong hải sản, trứng.

Chế độ sinh hoạt

- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị

- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng (tránh stress)

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thực phẩm tốt cho người bị bệnh vảy nến

Nhóm chất bột

- Các loại ngũ cốc giàu chất xơ: ngũ cốc nguyên cám, gạo xay sát dối, các loại khoai củ.

Nhóm chất đạm

- Cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi…): Nguồn cung cấp vitamin A, D và rất giàu omega-3 giúp giảm viêm và hỗ trợ làn da.

- Thịt trắng (gà, vịt bỏ da, thịt thỏ…): Giúp cung cấp đạm nhưng ít gây viêm hơn thịt đỏ.

- Trứng: Chứa nhiều protein chất lượng cao và vitamin D, nên sử dụng với số lượng hợp lý khoảng 3-4 quả/ tuần.

- Các loại đậu (đậu nành, đậu lăng, đậu đen…): Cung cấp protein thực vật, chất xơ và chất chống oxy hóa.

Nhóm chất béo

- Ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, cá thu, cá trích, hạt chia, hạt lanh, quả óc chó…).

- Sử dụng dầu ô liu, dầu hạt lanh thay cho mỡ động vật.

Nhóm rau xanh, quả chín

- Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như các loại rau xanh, trái cây (cam, quýt, bưởi, việt quất, dâu tây…).

Giang Thu (Tổng hợp)