Dữ liệu y khoa

Chăm sóc đúng cách cho bệnh nhân bạch biến

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - Bạch biến, tình trạng rối loạn sắc tố khu trú da và niêm, ảnh hưởng 1 - 2% dân số toàn cầu. Hầu hết bệnh nhân đều khỏe mạnh, có kết hợp với các bệnh lý tự miễn khác như bệnh tuyến giáp, tiểu đường, thiếu máu, thiểu sản tủy.

Sốc tâm lý cũng có thể dẫn đến khởi phát bạch biến

Bạch biến là một tình trạng xảy ra do sự phá hủy hay giảm các tế bào hắc tố (melanocyte) - tế bào sản xuất sắc tố trên da. Theo TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bạch biến đặc trưng bởi những mảng da giảm sắc tố, mất màu, không tróc vẩy, không ngứa, bề mặt da không teo. Độ tuổi khởi phát thường gặp từ 10 - 30, 50% trường hợp xảy ra trước 20 tuổi và bệnh cũng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. 

Độ tuổi khởi phát bệnh bạch biến thường gặp từ 10 - 30, 50% trường hợp xảy ra trước 20 tuổi và bệnh cũng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào.

Độ tuổi khởi phát bệnh bạch biến thường gặp từ 10 - 30, 50% trường hợp xảy ra trước 20 tuổi và bệnh cũng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào.

Hầu hết trường hợp mắc bệnh bạch biến có liên quan đến tự miễn. Nghĩa là, hệ thống miễn dịch của người bệnh tấn công chính các tế bào hắc tố melanin bình thường và làm giảm/mất sắc tố trên da. Do đó, ngoài khía cạnh thẩm mỹ, cần quan tâm chú ý đến các bệnh lý đi kèm như bệnh tuyến giáp, tiểu đường, thiếu máu, thiểu sản tủy... Ngoài ra, bạch biến một phần có liên quan đến yếu tố di truyền, tuy nhiên, nếu cha mẹ mắc bệnh, khả năng di truyền cho con cái chỉ khoảng 6%.

Bệnh có thể hiện diện ở tất cả các vùng cơ thể, nhất là những vùng da cọ xát thường xuyên (như khuỷu tay, tay, hông, đầu gối, đầu ngón chân), ngoài ra có thể bị ở quanh mắt, mũi và miệng, bộ phận sinh dục…

Một số bệnh nhân bạch biến phát sinh bệnh là do hoá chất phá huỷ hoặc ức chế hoạt động của tế bào hắc tố dẫn đến giảm sản xuất hắc tố da. Thậm chí, trong cuộc sống hàng ngày, nhiều yếu tố thuận lợi cho phát sinh bệnh bạch biến như sốc về tình cảm, bị thương, cháy nắng hoặc rám nắng...

Bí quyết chăm sóc da bạch biến

Còn theo BSCKII Vũ Thị Phương Thảo, Bệnh viện Da liễu TPHCM, bệnh thường không đe dọa tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhất là ở những trẻ em đang trong độ tuổi phát triển làm cho trẻ mặc cảm, tự ti, căng thẳng, buồn bã và hạn chế giao tiếp xã hội.

Chăm sóc cho bệnh nhân bạch biến đúng cách là phải bảo vệ da dưới tác hại của ánh nắng mặt trời như sử dụng kem chống nắng UVA/UVB phổ rộng hàng ngày, SPF từ 30 trở lên, kháng nước; mặc quần áo dài tay bảo vệ da...

Một ca bệnh nhi mắc bệnh bạch biến đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM.

Một ca bệnh nhi mắc bệnh bạch biến đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM.

Điều trị bạch biến có thể bằng thuốc thoa có chứa corticosteroid hoặc thuốc uống, có thể dùng chung với các điều trị khác. Tuy nhiên, theo BSCKII Vũ Thị Phương Thảo, thuốc thoa có chứa corticosteroid có thể làm mỏng da, rạn da, vì vậy cần phải có hướng dẫn của bác sĩ da liễu, nhất là vùng da quanh mắt.

Ngoài ra, các bác sĩ chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da còn ứng dụng liệu pháp ánh sáng, ghép da… trong điều trị cho bệnh nhân bạch biến. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, bệnh dễ chẩn đoán nhưng cơ chế gây bệnh chưa được hiểu rõ, dẫn đến những khó khăn trong điều trị. Ngày càng có nhiều phương pháp điều trị bệnh bạch biến, tuy nhiên đa số chỉ đạt mức độ cải thiện lâm sàng ở mức thấp khi điều trị riêng rẽ. Việc kết hợp các phương thức điều trị gần như là điều quan trọng để đảm bảo kết quả điều trị. Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ da liễu sẽ cho chỉ định phù hợp.

An Quý
Từ Khoá