Khám phá

Cây nước nóng lạnh có tốn điện?

Cây nước nóng lạnh ngày càng được nhiều gia đình sử dụng vì sự tiện lợi, luôn có cả nước nóng và nước lạnh để uống, pha trà…

Tuy nhiên, cây nước nóng lạnh là một thiết bị tiêu tốn khá nhiều điện năng, và nếu không sử dụng hợp lý sẽ góp phần làm tăng đáng kể hóa đơn tiền điện hàng tháng.

Cây nước nóng lạnh có thực sự tốn điện?

Theo KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm, cây nước nóng lạnh chủ yếu chỉ có chức năng đun nóng và làm lạnh nước với hai khoang riêng biệt là hai bình chứa nước nóng và lạnh. Các bình chứa này làm bằng kim loại, có dung tích thường nhỏ hơn 1 lít được bọc cách nhiệt bằng xốp cách nhiệt để tránh tổn thất nhiệt ra môi trường.

Bình nước nóng có bố trí thanh đun điện công suất khoảng 500W và có rơle để khống chế nhiệt độ nước từ 90- 95 độ C. Rơle này sẽ tự bật- ngắt để đảm bảo đúng ngưỡng nhiệt độ đã đặt sẵn. Ngoài ra còn một rơle thứ 2 để bảo vệ, ngắt thanh đun khi nhiệt độ thanh đun quá cao. Nước nóng đầu ra ở các cây nước nóng lạnh có thể đạt tối đa tới 98 độ C, nhưng không bao giờ đạt tới 100 độ C để đảm bảo cho các thành phần thiết bị bên trong như nhựa, gioăng cao su… hoạt động tốt.

Bình nước lạnh được làm lạnh nhờ một hệ thống tương tự như tủ lạnh, gồm blốc, dàn ngưng, dàn bay hơi và ống mao. Tuy nhiên hệ thống lạnh ở đây có vài điểm khác biệt là blốc nhỏ hơn, dàn bay hơi là dạng ống xoắn để làm lạnh nước. Để khống chế nhiệt độ nước lạnh từ 6- 10ºC, người ta cũng bố trí 1 rơle nhiệt độ đóng ngắt máy nén. Một rơle thứ 2 cũng được bố trí để bảo vệ, ngắt nguồn khi nhiệt độ nước xuống quá thấp, đề phòng nước trong bình bị đóng băng gây vỡ bình khi rơle nhiệt độ không ngắt do hỏng hóc.

Nhiều người thường quan niệm sai lầm rằng cây nóng lạnh đã có rơle ngắt điện này nên có thể yên tâm cắm điện suốt 24/24 mà không lo tốn điện. Thực ra, bình nước nóng chờ và nước lạnh chờ tuy dung tích nhỏ, nhưng luôn có tổn thất nhiệt dù đã được cách nhiệt rất tốt; do đó máy nén cho khoang lạnh cũng như thanh đun cho khoang nóng phải đóng ngắt liên tục, gây tiêu tốn điện năng khá lớn. Vì vậy khi không sử dụng trong thời gian dài, ví dụ cả ngày đi làm không dùng đến, hoặc đêm khi đi ngủ nên tắt nguồn để đỡ lãng phí.

P.V