Ảnh minh họa
Nhịp tim cao liên quan đến các rối loạn tâm thần
Trước đó, một nghiên cứu nhỏ phát hiện tỷ lệ mắc bệnh tim có xu hướng tăng cao ở những người bị trầm cảm, rối loạn stress sau chấn thương, rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ, và các rối loạn tâm thần khác. Ngoài ra, sự thay đổi của huyết áp cũng tìm thấy ở những người bị tâm thần phân liệt, lo âu và trầm cảm.
Theo Medicalnewstoday, các nhà nghiên cứu đến từ Thụy Điển và Phần Lan tiến hành đo nhịp tim và huyết áp trong lúc nghỉ ngơi của 1.794.361 đàn ông Thụy Điển có độ tuổi trung bình là 18, và nhận thấy nam giới có nhịp tim lúc nghỉ ngơi trên 82 nhịp/phút có 69% nguy cơ phát triển các hành vi ám ảnh cưỡng chế (OCD), so với nam giới có nhịp tim lúc nghỉ ngơi dưới 62 nhịp/phút.
Tương tự, so với nam giới có nhịp tim thấp, những đàn ông có nhịp tim cao hơn có 21% nguy cơ phát triển bệnh tâm thần phân liệt và 18% nguy cơ rối loạn lo âu. Kết quả nghiên cứu này được công bố trực tuyến trên trang JAMA Psychiatry.
Nhịp tim thấp liên quan đến rối loạn sử dụng chất kích thích, tội phạm bạo lực
Nếu nhịp tim ở nam giới cao được liên kết với nguy cơ bị các rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ hay rối loạn tâm thần, thì nam giới tuổi teen với nhịp tim lúc nghỉ ngơi thấp được chứng minh có liên quan đến rối loạn sử dụng các chất kích thích và hành vi bạo lực.
Các nhà nghiên cứu lưu ý điều này chỉ đúng với nam giới, còn với nữ giới kết quả không chắc chắn. Bởi theo họ, tuy phụ nữ có nhịp tim cao hơn nhưng lại có khả năng kiểm soát hệ thần kinh đối giao cảm tốt hơn so với nam giới, do đó mối liên hệ giữa nhịp tim cao lúc nghỉ ngơi và các rối loạn tâm thần có thể khác nhau giữa nam và nữ. Từ phát hiện này, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận sức khỏe tâm thần của nam giới chịu ảnh hưởng rất lớn của huyết áp, nhịp tim ở tuổi vị thành niên.
PV (tổng hợp)