Dữ liệu y khoa

Cảnh báo hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ hậu Covid-19

  • Tác giả : An Quý
Một bé trai 8 tuổi (Bình Chánh) bị sốt cao liên tục 5 ngày, ói, tiêu lỏng. Bệnh nhi bị hội chứng viêm đa hệ thống.

Khi vào bệnh viện, bệnh nhi có kết quả âm tính với Covid-19 nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ kháng thể lại cao ngang với mức của một F0 từng mắc bệnh hoặc đã tiêm văcxin.

hoi-chung-viem-toan-than-o-tre.jpg
Bệnh nhi được chẩn đoán MIS-C, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em hậu Covid-19. Ảnh minh họa

Sau các kết quả kiểm tra về phản ứng viêm, tăng đông… bệnh nhi được chẩn đoán MIS-C, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em hậu Covid-19.

Bệnh nhi phải thở máy, lọc máu suốt 1 tuần, kết hợp nhiều biện pháp điều trị mới có thể qua cơn nguy kịch.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng từng điều trị một bệnh nhi L.H.T.L (15 tuổi, ngụ tại Q8) mắc hội chứng tương tự, nhập cấp cứu trong tình trạng khó thở, tím tái.

Ngoài điều trị tích cực với thuốc kháng viêm, kháng đông, bệnh nhi được truyền thêm kháng thể miễn dịch và lọc máu liên tục.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, nghiên cứu trên thế giới ghi nhận tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 đã khỏi nhưng vẫn bị triệu chứng hậu Covid-19 chiếm 6-15%.

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, Bệnh viện đã ghi nhận trên 10 trường hợp viêm đa hệ thống hậu Covid-19.

tre-bi-viem-da-he-thong-do-covid(1).jpg
Mắc hội chứng viêm đa hệ thống do Covid-19, bệnh nhi L.H.T.L (15 tuổi, ngụ tại Q8) nhập cấp cứu trong tình trạng khó thở, tím tái.

Sau nhiễm SARS-CoV-2, một số trẻ có biểu hiện phản ứng viêm mạnh. Chính vì vậy, nhiều trẻ không có triệu chứng trong lúc bị bệnh nhưng sau 2 - 6 tuần, nhiều triệu chứng mới ồ ạt xuất hiện.

Trẻ có thể lại bị sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, đỏ da, lưỡi đỏ, các ngón tay chân sưng nhẹ, hồng ban, tim đập nhanh, mạch vành có thể dãn, còn gọi là hội chứng viêm đa hệ thống. Đây là hội chứng đặc trưng chỉ có ở trẻ em, chưa ghi nhận ở người lớn.

Trẻ vẫn cảm thấy mệt mỏi, đi lại khó khăn, lâu lâu ho, đau họng, sốt, hụt hơi, khạc nhiều đàm nhớt, hồi hộp, đánh trống ngực, đau khớp, buồn ngủ ban ngày, đêm lại thức, không ghi nhớ và hiểu được những gì cô giáo giảng.

Trẻ có thể bị thay đổi khứu giác, vị giác; ù tai, đau tai; buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng; chán ăn; choáng khi đứng dậy.

Trẻ cũng có thể gặp một số vấn đề về tâm lý hoặc thay đổi tâm trạng. Những trẻ này cần can thiệp sớm và hỗ trợ tâm lý, vật lý trị liệu hô hấp, vận động để giúp trẻ hồi phục lại gần như bình thường.

Những trẻ từ 13 tuổi trở lên dễ mắc các triệu chứng hậu Covid-19 hơn, đặc biệt các trẻ Covid-19 nặng, nguy kịch nhập khoa hồi sức tích cực để điều trị trước đó.

Ở độ tuổi này, trẻ đã có những biến đổi về mặt tâm sinh lý và cơ thể. Dưới tác động của virus SARS-CoV-2, trẻ dễ bị tổn thương tâm sinh lý nặng hơn và có thể để lại di chứng lâu dài.

SARS-CoV-2 có thể tấn công lên não, hệ thống nội mạc mạch máu não, gây tình trạng tăng đông, huyết khối, giảm tưới máu các vùng vỏ não phụ trách trí nhớ, hành vi, chữ viết...

Trẻ rất cần những chuyên gia tư vấn tâm lý, cha mẹ và thầy cô cùng nhau hỗ trợ.

Bên cạnh đó, các bác sĩ thần kinh cũng sẽ hỗ trợ trẻ bằng cách sử dụng các loại thuốc điều trị thích hợp; chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn trẻ luyện tập những bài tập vận động, xoa bóp để giúp giảm đau cơ, đau khớp, tập thở hiệu quả.

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, cần đưa trẻ đến khi bệnh viện ngay nếu sau khi khỏi bệnh Covid-19, trẻ đột nhiên sốt cao nhiều ngày, kèm theo 2 trong số các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, da niêm đỏ, hồng ban, tim đập nhanh…

An Quý