Y học và đời sống

Cẩn trọng với bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em

  • Tác giả : Giang Thu
Viêm mao mạch dị ứng là một dạng tổn thương hệ thống vi mạch lan tỏa ở nhiều cơ quan, ảnh hưởng đến da, tim mạch, hệ tiêu hóa, xương khớp… Tình trạng viêm này có thể gây chảy máu mao mạch nhỏ và nổi ban xuất huyết.

Mới đây, khoa Nội nhi Tổng hợp – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã khám và điều trị nhiều trường hợp bệnh nhi bị bệnh viêm mao mạch dị ứng (Schonlein Henoch).

​Trường hợp bệnh nhi H.V.H.Đ 6 tuổi, (Quỳnh Lưu, Nghệ An) là 1 ca bệnh trong số đó. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng, xuất huyết trên da vùng cẳng chân hai bên, đại tiện phân máu.

Cẩn trọng với bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em. Ảnh BVCC

Cẩn trọng với bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em. Ảnh BVCC

Qua khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhi Đ. cho biết, 5 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhi đau bụng không rõ nguyên nhân, đã được khám và dùng thuốc tại bệnh viện huyện nhưng không đỡ. Ngày thứ 6, bệnh nhi vẫn đau bụng và ban xuất huyết rải rác trên da vùng cẳng chân hai bên, kèm theo nôn, đại tiện phân máu. Bệnh nhi được gia đình đưa tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Qua thăm khám, bác sĩ khoa Nội nhi Tổng hợp chẩn đoán trẻ bị Schonlein Henoch. Bệnh nhi được điều trị theo phác đồ.

Sau 2 ngày điều trị, trẻ không nôn, không đại tiện phân máu, ban xuất huyết vùng cẳng chân mờ đi và sau 7 tình trạng sức khoẻ bệnh nhi ổn định , được xuất viện và tái khám theo lịch hẹn.

Theo BS.Trần Yến Nhi, Schonlein Henoch là bệnh lý viêm mạch máu nhỏ không giảm tiểu cầu, biểu hiện cấp tính, đây là bệnh lý viêm mạch máu nhỏ tác động đến 4 cơ quan chính: da, khớp, tiêu hóa, thận. Bệnh thường xảy ra vào mùa thu, mùa đông, xuân hơn mùa hè.

Trẻ mắc bệnh sẽ có những có những dấu hiệu như: phát ban dạng xuất huyết chủ yếu ở 2 cẳng chân và mông; sưng đau các khớp chủ yếu ở chi dưới, tuy nhiên chỉ thoáng qua và không để lại di chứng khớp về sau; đau bụng, nôn và buồn nôn, có thể đại tiện phân có máu…

Ngoài ra còn 1 số triệu chứng khác như lồng ruột, viêm tinh hoàn (ở trẻ nam), tổn thương hệ thần kinh (hiếm gặp), tổn thương phổi…

Với những trường hợp trẻ có các dấu hiệu như xuất huyết dưới da, nôn, đau bụng, đại tiểu tiện ra máu, sưng đau khớp nhiều thì bố mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra. Với tổn thương thận, tiên lượng xấu tùy thuộc vào mức độ tổn thương, trẻ cần được theo dõi phát hiện sớm tổn thương thận.

Người bị viêm mao mạch dị ứng kiêng ăn gì?

Viêm mao mạch dị ứng không chỉ gây tổn thương trên da mà còn gây các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn,… Bệnh hiện nay chưa xác định được nguyên nhân cụ thể cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy người bệnh cần tránh các thức ăn có thể gây nặng thêm hay khởi phát tình trạng bệnh.

Người bệnh cần tránh các thực phẩm đã dị ứng trước đó vì dị ứng thực phẩm là một trong những yếu tố kích hoạt viêm mao mạch dị ứng

Trong giai đoạn cấp tính cần xây dựng chế độ ăn giảm đường và muối

Người bệnh cần kiêng các thức ăn gây kích thích như rượu, trà, cà phê, tiêu ớt.

Trong trường hợp đang phù nề cần giảm thức ăn có nhiều nước như canh, súp, uống ít nước.

Cần kiêng thức ăn có nhiều đạm như tôm, cua, cá, bò, gà, sữa…Vì thức ăn có nhiều đạm khó tiêu hóa và dễ gây dị ứng nhất.

Thức ăn chứa nhiều gia vị và dầu mỡ có thể khiến triệu chứng đau bụng, buồn nôn trở nên trầm trọng hơn.

Giang Thu