NHÌN THẲNG

Cẩn trọng dầu gội đầu giả mạo nhãn hiệu Dove và Tresemme

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) hôm thứ sáu đã cảnh báo công chúng về hai loại dầu gội đầu giả mạo phổ biến nhất nước này là Dove và Tresemme. Tại nước ta, hai loại dầu gội này được bán với quảng cáo là hàng xách tay rất nhiều.

Gia tăng phiên bản giả mạo

Trong lời khuyến cáo, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cảnh báo công chúng về sự gia tăng của các phiên bản giả mạo của Dove là sản phẩm dầu gội dưỡng tóc bồng bềnh và giữ ẩm Nutritive Solutions Oxygen and Nourishment Shampoo; và phiên bản giả mạo của dầu gội Tresemme là dầu gội bóng mượt Tresemme Smooth and Shine Shampoo.

Cơ quan này đã phối hợp với Tổ chức Ủy quyền Thị trường, Unilever Philippines Inc, và xác minh rằng các sản phẩm mỹ phẩm nói trên là hàng giả. Họ cũng đưa ra lời cảnh báo người tiêu dùng về việc mua và sử dụng những sản phẩm giả mạo này vì những sản phẩm này đã không đạt được yêu cầu đánh giá an toàn và xác nhận của FDA.

Dầu gội đầu giả mạo nhãn hiệu Tresemme Smooth and Shine Shampoo.

“Theo quan điểm trên, công chúng nên thận trọng đối với việc mua và sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm giả mạo nói trên. Sản phẩm giả mạo, không phải trải qua quá trình đánh giá an toàn theo yêu cầu và quá trình xác minh của FDA, gây ra những nguy hiểm cho sức khoẻ.”

Tại nước ta, qua khảo sát cho thấy hiện nay không có dầu gội đầu xuất xứ do Unilever Philipines sản xuất. Tuy nhiên, các sản phẩm dầu gội đầu như Dove, Tresemme của các nước như Nhật Bản, Thái Lan… lại rất nhiều.

Bán tự do, không ai kiểm soát

Tại một cửa hàng bán hàng Thái Lan trên phố Mai Động (Hà Nội) chúng tôi có thể dễ dàng mua sản phẩm dầu gội đầu Dove hay Tresemme của Thái Lan.

Một lọ dầu gội đầu Dove dung tích 460ml có giá 86.000đ. Còn lọ Tresemme dung tích 480ml giá 85.000đ. Các lọ dầu hoàn toàn không có nhãn mác bằng Tiếng Việt và được nhân viên nơi đây cho hay là hàng xách tay. Không chỉ có các sản phẩm Dove và Tresemme, nơi đây còn nhiều nhãn hàng khác cũng của tập đoàn Unilever sản xuất.

Không chỉ vậy, dầu gội xách tay Dove của Nhật Bản cũng được quảng cáo và bán tràn lan. Theo chủ cửa hàng gội đầu trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), dầu gội này được xách tay với dung tích 480ml có giá khoảng 400.000đ. Khi dùng sẽ có sự khác biệt với hàng Thái Lan hoặc Việt Nam sản xuất.

Dùng chất tẩy giặt để chăm sóc da

Ở góc độ khoa học, TS Đặng Chí Hiền (Viện Công nghệ Hóa học, TP HCM) cho hay, các dầu gội đầu hoạt động dựa trên sử dụng các chất hoạt động bề mặt cùng với các phụ gia, hương liệu để làm sạch tóc và da đầu. Các hãng uy tín sẽ dùng các chất đảm bảo an toàn, tinh khiết, chuyên dùng cho chăm sóc da. Do đó, quá trình sử dụng người dùng sẽ có được sự an toàn và hiệu quả.

Đối với hàng nhái, giả thì do yếu tố lợi nhuận đặt lên hàng đầu nên các chất hoạt động bề mặt hay phụ gia, hương liệu được thay thế hoàn toàn bằng sản phẩm rẻ tiền.

Trong đó, họ thường dùng các chất hoạt động bề mặt cho tẩy giặt để sang chăm sóc da. Các chất này độ tẩy sẽ rất cao, hơn nữa còn không an toàn. Nên khi dùng, dầu gội đầu giả sẽ có cảm giác bị ăn da. Điều này tương tự chúng ta dùng xà phòng giặt để rửa tay, cảm giác sẽ khó chịu tương tự vậy.

Chưa kể, các phụ gia đi kèm cũng là loại rẻ tiền. Như phần hương liệu của dầu gội đầu chính hãng sẽ là loại tinh khiết, tạo hương thơm bền vững, khử khuẩn. Trong khi hàng giả dùng hóa chất nên không chỉ gây ngứa mà mùi cũng khác lạ,…

“Điểm nguy hiểm khi dùng phải hàng giả là họ dùng chất tẩy giặt tổng hợp. Đây là các chất không dùng cho da do chứa các gốc hóa chất độc hại như benzen… Khi dùng có thể gây nên tình trạng kích ứng, về sau đây còn là nguyên nhân gây ung thư da”, TS Đặng Chí Hiền nói.

Do đó, các chuyên gia cho hay, khi mua dầu gội đầu nói riêng và các sản phẩm hóa mỹ phẩm nói chung người tiêu dùng nên đặt các tiêu chí như cần rõ nguồn góc, có nhãn mác… lên hàng đầu. Nên bỏ tâm lý ham mua hàng rẻ, bởi đúng như dân gian nói của rẻ là của ôi. Do trong quá trình sản xuất, các đơn vị đã tính toán chi phí, nếu rẻ hơn thường sẽ kém chất lượng. Hơn nữa, ham hàng rẻ là tạo điều kiện cho việc làm giả phát triển.

“Dù không có điều kiện dùng hàng cao cấp nhưng cố gắng dùng sản phẩm ở mức trung bình khá do các hãng uy tín sản xuất, nhất là có địa chỉ phản hồi trong nước. Điều này nhằm tránh tình trạng mình muốn phản hồi để biết chất lượng còn được. Tránh mua hàng xách tay, không rõ nguồn gốc để đến khi phải “ngậm bồ hòn khen ngọt”. Hơn nữa, khi dùng nên thử vào da tay để cảm nhận cũng như thấy có mùi khác lạ hay không”, TS Đặng Chí Hiền khuyên.

“Đừng quá tin vào hàng xách tay. Nếu là hàng do người mình tin tưởng cầm về thì khác. Còn hàng đưa về với mục đích kinh doanh kiếm lời thì vẫn nên đặt câu hỏi liệu có chuẩn, an toàn hay không”, TS Đặng Chí Hiền.

Hiển Linh