Khám phá

Ăn gỏi cá sống: món ăn mang nhiều hiểm họa

n gỏi cá nhảy (cá sống) là đặc sản của một số người dân tộc phía Tây Bắc Việt Nam. Món ăn này để lại nhiều nguy cơ mắc bệnh đường ruột, tiêu hóa…

Gỏi cá sống hay gỏi cá nhảy là một món ăn đặc biệt của người dân tộc Tây Bắc như Thái, Mông…

Với món ăn này, thông thường cá bắt về còn sống sau đó thả vào chậu nước sạch. Cá thường bắt ở suối nguồn, cách xa khu dân cư. Khi ăn, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi thả nhanh vào hỗn hợp ăn kèm.

Cá được ăn kèm với lõi chuối tươi, rau thơm (mùi, húng, thì là, kinh giới…), các loại gia vị mắm, muối, mỳ chính, tỏi, ớt và đặc biệt là không thể thiếu hạt mắc khén (gia vị đặc biệt của người Thái). Tất cả phải được băm nhỏ tạo thành một hỗn hợp ăn kèm có độ chua, cay, nồng.

Tuy nhiên, dưới góc độ an toàn vệ sinh thực phẩm, PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh (Cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Cá là thủy sản do đó rất dễ bị nhiễm khuẩn và ký sinh trùng có hại từ trong nguồn nước.

Khi ăn, những sinh vật có hại này đi vào cơ thể và gây ra các bệnh về đường ruột. Tuy nhiên, một số người dân có thói quen và thậm chí là “nghiện” món ăn này, dù đã được cảnh báo song họ vẫn không quan tâm”.

Ông cũng cho biết, Nhật Bản là một nước rất sạch về mọi thứ, và nổi tiếng với ăn thủy sản sống như Sushi và Sashimi, song trên thực tế người dân khi ăn gỏi cá sống vẫn bị nhiễm các độc chất nguy hiểm tồn dư trong cá sống.

Theo một số tài liệu, cá sống có thể nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng mà đáng kể nhất là giun đầu gai Gnathostoma. Giun có thể vào các bộ phận của cơ thể như vào hệ hô hấp (gây ho..), gan, mắt (gây mù lòa), di chuyển dưới da, thậm chí là não và tuỷ sống.

Nguy hiểm nhất là nếu giun định vị trong hệ thần kinh trung ương và gây chứng viêm não tủy, làm rối loạn cảm giác, liệt tứ chi và có thể tử vong.

Ở Việt Nam không hiếm những bệnh nhân nhiễm giun sán khi ăn đồ sống. Theo thống kê từ tháng 2 đến tháng 6-2017, Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân nhiễm giun lươn trong các biểu hiện bệnh lý về tiêu hóa, phổi, ổ bụng…

Đa số các bệnh nhân này đều vẫn thói quen ăn gỏi, ăn tái, không ăn thức ăn sống, chưa được nấu chín như nem chua, gỏi, rau sống…

Vào giữa năm 2017, trên tờ Daily Mail cho biết một trong những nguyên nhân chính gây bệnh ung thư đường mật (CCG) làm 20.000 người Thái Lan chết mỗi năm chính là ăn gỏi cá sống.

Bác sĩ giải phẫu gan Narong Khuntikeo tại Thái Lan đã lên tiếng cảnh báo về món Koi pla, món gỏi cá sống ăn cùng gia vị và chanh truyền thống ở vùng nông thôn Isaan, thuộc đông bắc Thái Lan.

Tại vùng nông thôn nghèo này của Thái Lan, tỉ lệ người bị bệnh CCG cao nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chính gây bệnh CCG giết chết chừng 20.000 người Thái mỗi năm là một loài ký sinh trùng giun tròn sống ở vùng sông Mekong và có trong cá nước ngọt. Món Koi pla là một món ăn làm lây lan ký sinh trùng lớn nhất gây bệnh ung thư đường mật, ung thư gan chết người.

Do đó, theo các chuyên gia y tế cũng cho biết, cách tốt nhất và hữu hiệu nhất là chỉ ăn cá đã được nấu nướng thật chín. Các biện pháp truyền thống như vắt chanh, chế giấm vào các lát cá đều không diệt được giun, kể cả uống rượu mạnh cũng không có tác dụng.

Theo plo.vn

Từ Khoá