Giáo dục

Cần nền giáo dục không nói dối

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Điểm 10, giấy khen, xếp loại học lực giỏi… lẽ ra, những điều đó phải gắn với niềm vui, thì giờ lại là những điều đáng suy nghĩ, là nỗi buồn. Vì sao?

Nỗi buồn điểm 10!

Những ngày cuối năm học, thông tin về lớp học có đến 42/43 em xếp loại giỏi, thậm chí có lớp còn 100%; những giấy khen tràn ngập trên mạng... đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

Phát biểu tại Phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế và xã hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cho rằng, ngành giáo dục đã đưa ra nhiều cải cách, nhưng phương pháp chưa đúng.

“Đúng sao được khi mà một lớp gần có 100% học sinh đạt loại giỏi. Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục, chúng ta bàn nhiều về triết lý giáo dục, nhưng trước mắt cần đưa ra nguyên tắc giáo dục đơn giản là nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo khi chấp nhận nói dối ngay từ những năm các con cắp sách đến trường” – đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.

Chia sẻ về vấn đề này bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) nói: “Thời chúng tôi đi học tôi còn nhớ cả trường 23 lớp mà chỉ có một bạn đạt loại giỏi, điểm trung bình để đạt loại giỏi như thế cũng chỉ trên 8 chứ không phải 10 như bây giờ. Ngay cả tôi trong những năm làm giảng viên đại học cũng cho điểm một cách rất thận trọng”.

Việc một lớp có đến 42/43 học sinh đạt loại giỏi, theo bà Lan chính là hệ quả của căn bệnh thành tích.

Do một nền giáo dục vốn lấy thành tích để làm tiêu chí đánh giá con người, dẫn đến áp lực cho học sinh tới phụ huynh. Giờ các em cứ đi học là phải có điểm 10, chứ điểm 9 là bố mẹ la rầy. Nó không hề thực chất mà chỉ như một món đồ trang trí làm đẹp cho cha mẹ.

Điều đáng buồn, đây không phải là trường hợp cá biệt, mà theo bà Lan, nó xảy ra nhiều năm rồi nhưng bây giờ mới có một trường bị phát hiện.

“Không một nơi nào mà thiên tài đến nỗi có một tập thể mà số người giỏi, học sinh giỏi tuyệt đối được như vậy cả. Hình như chúng ta không quen đối diện bản chất sự thật mà chỉ quen ngụy trang bằng cách thêm đường vào cho ngọt. Chúng ta đã bị bệnh thành tích, giả dối bao nhiêu năm ăn vào máu rồi”, bà Lan nói.

Bài tập dưới dạng bức thư của một học sinh lớp 4 mà cô giáo gửi phụ huynh trong buổi họp phụ huynh mới đây khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình suy ngẫm.

Bài tập dưới dạng bức thư của một học sinh lớp 4 mà cô giáo gửi phụ huynh trong buổi họp phụ huynh mới đây khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình suy ngẫm.

Đi học mà toàn điểm 10 thì sau chỉ muốn làm thầy, không làm thợ

Hậu quả của căn bệnh thành tích này, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan có nhiều cái hại.

“Cái hại thứ nhất, là nó gây cho các em sự ảo tưởng về sức mạnh của mình. Đi học mà lúc nào cũng điểm 10 thì sau này chỉ muốn làm thầy, không muốn làm thợ.

Cái hại thứ hai là các em sẽ mất ý chí phấn đấu, vì học như thế là giỏi rồi, không chịu khó tìm tòi thêm nữa. Sau này nếu chúng ta cải tiến thi cử theo hướng lấy học bạ để xét vào đại học thì kết quả trong học bạ cũng không chính xác”.

Và điều này, nó còn ảnh hưởng tới cả tương lai sau này khi các em ra làm việc. “Việc học đang như thế cho nên tới lúc đi làm, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước, đánh giá cuối năm cũng rất bị xem nhẹ, ai cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ở mức cao hơn chính là việc đánh giá tín nhiệm, có lẽ cũng bắt nguồn từ cái thành tích như thế nên cứ phải là "tín nhiệm cao", "tín nhiệm thấp", rồi "tín nhiệm vừa vừa", bà Lan chia sẻ.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, dạy trẻ em không chỉ là dạy chữ mà quan trọng hơn là đạo đức. Với cách cho điểm ảo như hiện nay thì chúng ta đang chối bỏ giá trị của giáo dục, từ điểm số đánh giá cho tới môi trường giáo dục.

Là một thầy giáo đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy, thầy giáo Trần Trung Hiếu, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ: “Cứ cuối năm lại tràn ngập trên facebook của những thầy cô giáo và cả của phụ huynh hình ảnh những giấy khen khoe thành tích của học trò, của con. Có những lớp 100% đều giấy khen, học sinh đạt loại giỏi. Tôi thì cho rằng, đó không phải là câu chuyện để vui, ngược lại đáng để suy ngẫm”.

Thầy Trần Trung Hiếu cho biết, thầy không phản đối chuyện khen thưởng. Khen không bao giờ là xấu và ai cũng thích khen. Nhưng vấn đề là khen sao cho đúng.

“Điều đáng suy nghĩ ở chỗ là liệu thực lực có tương xứng với những giấy khen đó không. Nếu là thực lực thì đương nhiên, các học trò xứng đáng được khen thưởng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều em khi đi thi THPT Quốc gia thì điểm thi khác hoàn toàn với điểm tổng kết trong học bạ. Điều đó cho thấy, điểm tổng kết chỉ là con số ảo”, thầy Hiếu chia sẻ.

Và hậu quả của thành tích ảo này, theo thầy Trần Trung Hiếu, là tạo nên sự ảo tưởng. Nhiều học trò cứ tưởng mình giỏi, nhiều phụ huynh cứ tưởng con mình giỏi. Nhiều thầy cô cứ tưởng học trò mình giỏi. Nhiều hiệu trưởng cứ tưởng trường mình giỏi.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu cho rằng, muốn khắc phục căn bệnh thành tích, cần phải hiểu được căn nguyên “gây bệnh” của nó.

“Đầu tiên là nó gắn với tâm lý thích thành tích, thích được khen thưởng. Phụ huynh đi họp thấy con được giấy khen thì mừng vui lắm, có cái để khoe. Thầy cô giáo, nhà trường cũng vậy. Giáo viên chủ nhiệm báo cáo hiệu trưởng, hiệu trưởng báo cáo trưởng phòng GD, trưởng phòng GD báo cáo giám đốc sở... Coi giấy khen để khẳng định thực lực, để tôn vinh thành tích,

Thứ hai là nó gắn với quyền lợi sát sườn. Thường thì các điểm tổng kết “đẹp” sẽ rơi vào những lớp cuối cấp, vì nó liên quan tới việc xét học bạ. Nhiều trường ở địa phương có chủ trương cho các học trò lớp 12 điểm khá là cao để giúp các học trò có một hệ số an toàn khi xét tuyển học bạ”, thầy Hiếu nói.

Cho nên, muốn chữa bệnh thành tích, thì điều đầu tiên là phải thay đổi nhận thức. Đừng cho rằng, cái gì lấp lánh cũng là vàng, ưa chuộng hình thức, ảo tưởng.

Thành tích, thi đua và khen thưởng trong giáo dục là cần thiết. Nhưng để khen thưởng phải là sự khen thưởng, tôn vinh xứng đáng từ thực chất. Hãy biến việc khen thưởng là động lực tích cực để phấn đấu và khẳng định năng lực học và thi. Đừng xem việc khen thưởng là mục đích cao nhất và gây áp lực cho học sinh. Nhận thức này phải bắt đầu từ phụ huynh.

Tất nhiên, trong mọi sự thay đổi, thay đổi tư duy, nhận thức là khó nhất. Nếu xã hội từng bước thay đổi tư duy bệnh thành tích sẽ hạn chế được sự gian dối trong giáo dục. Bệnh thành tích không phải lỗi của ngành giáo dục và không chỉ có trong ngành giáo dục. Nhưng trong học tập, kiểm tra đánh giá và thi cử dễ phơi bày bệnh thành tích.

Thứ hai, là nên bỏ xét tuyển từ học bạ, chính điều này tạo nên nhiều tiêu cực, sự gian dối.

“Đã đến chúng ta cần phải quay trở lại giá trị thực của việc học thật thi thật, học thật tổng kết thật, chứ không phải là học giả, học yếu mà điểm tổng kết cao.

Tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, toàn xã hội cần chung tay với ngành giáo dục để từng bước khắc phục tình trạng này", thầy Hiếu nói.

“Bộ GD&ĐT phải ban hành chuẩn và phải giám sát cái chuẩn đó. Chúng ta cũng có thể học tập kinh nghiệm các nước, phải có cách ra đề thi, cách cho điểm chứ không thể thả nổi, để mặc cho các trường như hiện nay. Bộ GD&ĐT trong trách nhiệm của mình hoàn toàn có thể làm được việc đó”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Mai Loan