KHOẺ ĐẸP

Cách điều trị men gan tăng cao

  • Tác giả : Thúy Nga
Tăng men gan là một trong số các bệnh thường gặp gây tổn hại nghiêm trọng đến tế bào gan, có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan.... Nếu được phát hiện sớm, và điều trị hợp lý thì sẽ giảm các biến chứng.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, tăng men gan là một trong số các bệnh thường gặp ở người bệnh khi đến khám. Tăng men gan nếu không điều trị thì gây tổn hại nghiêm trọng đến tế bào gan, có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan...

Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức của người dân đối với bệnh tăng men gan, nguyên nhân, triệu chứng và các điều trị hợp lý để phòng ngừa các biến chứng.

Tăng men gan là bệnh gì?

Men gan là các enzyme được xúc tác trong gan như AST (Aspartate transaminase) hay ALT (Alanine transaminase) thực hiện các phản ứng sinh hóa tại gan.

men gan cao phụ thuộc vào 4 chỉ số men gan được chia theo độ tuổi và giới tính, các chỉ số men gan bình thường sẽ là: ALT (hay GPT) dưới hoặc bằng 35 UI/l (với nam giới) và nhỏ hơn hoặc bằng 25 UI/l (với nữ giới)AST (hay GOT) dưới hoặc bằng 35 UI/l (với nam giới) và nhỏ hơn hoặc bằng 25 UI/l (với nữ giới)GGT từ 5-60 UI/lALP từ 35-115 UI/l

Triệu chứng của bệnh men gan tăng cao

Các dấu hiệu tăng men gan thường không rõ ràng, men gan càng tăng cao mức độ biểu hiện triệu chứng càng rõ. Bao gồm các triệu chứng như:

Người bệnh có biểu hiện chán ăn, nôn và buồn nôn, đau bụng.Sốt nhẹ, người mệt mỏi.Đau hạ sườn phải: Khi men gan tăng cao, người bệnh sẽ cảm nhận được cơn đau nhức âm ỉ tại vùng bụng hạ sườn bên phải.

Mẩn ngứa: Chức năng gan bị suy giảm khiến độc tố tích tụ trong cơ thể hoặc trên da gây ngứa. Phân có màu nhạt, nước tiểu sẫm màu: Thường gặp men gan cao do tắc mật. Tắc mật làm cho bilirubin không đi vào đường tiêu hoá được và thải qua đường nước tiểu nên gây ra hiện tượng phân bạc màu và nước tiểu sẫm.

Vàng da: Đây là triệu chứng bệnh men gan cao đặc trưng nhất. Tuy nhiên khi bạn nhận ra sự thay đổi về màu da thì bệnh cũng đáng báo động.

Do các triệu chứng có thể không rõ nếu tăng men gan ít, vì vậy cách đơn giản nhất để phát hiện tăng men gan là xét nghiệm máu.

Men gan tăng cao có nguy hiểm không?

Bệnh men gan tăng cao có nguy hiểm không phụ thuộc vào các chỉ số men gan:

- Nếu chỉ số men gan từ 40-80 cảnh báo nguy cơ gan nhiễm mỡ, viêm gan virus hay/do rượu bia, béo phì…

- Nếu chỉ số men gan từ 80-150 cảnh báo chức năng gan bị suy giảm, có thể gây biến chứng như xơ gan, xơ gan cổ trướng

- Nếu chỉ số men gan từ 150-200, hoặc > 200 thì gây tổn hại nghiêm trọng đến tế bào gan, có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan...

Nhìn chung, men gan tăng cao là biểu hiện nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh. Men gan tăng cao trong thời gian dài có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như bệnh xơ gan, viêm gan, ung thư gan…đe dọa tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, nếu được khống chế, kiểm soát và điều trị kịp thời, men gan ít gây hại cho sức khỏe.

Nguyên nhân tăng men gan

Nguyên nhân tăng men gan

Nguyên nhân tăng men gan

Men gan cao có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó có thể là do virus, do tác dụng phụ của thuốc, uống quá nhiều rượu bia, bệnh lý đường mật, chế độ ăn…

Tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ bệnh lý về gan như: Viêm gan, gan nhiễm mỡ không do rượu… Do đó, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc tới mức độ tăng men gan và thể trạng của bệnh nhân để lựa chọn thuốc điều trị phù hợp.

Một số loại thuốc có thể được sử dụng

Các loại acid amin trị men gan cao

Các loại acid amin có thể kể đến như: Arginine, Ornithine, Carnitine, Acid glutamic… Chúng giúp chuyển đổi protid, tái tạo tế bào gan, hỗ trợ giải độc trong gan. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định acid amin cho người bị gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan gây tăng men gan.

Thuốc Choline

Loại thuốc này phù hợp với người bị gan nhiễm mỡ do rượu, kéo theo men gan cao. Nó giúp ổn định cấu trúc màng tế bào gan, góp phần vào việc sản xuất các hợp chất hoạt động của tế bào gan. Đặc biệt, nó giúp vận chuyển, loại bỏ cholesterol ra khỏi gan. Theo kết quả một nghiên cứu tiến hành trên 56.000 phụ nữ cân nặng bình thường, người được bổ sung Choline thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh gan thấp hơn 28% so với những người khác.

Thuốc hạ mỡ máu

Các thuốc hạ mỡ máu có thể được sử dụng để giảm tình trạng gan nhiễm mỡ – một trong những nguyên nhân khiến men gan cao. Đó là nhóm thuốc Statin và Fibrate.

- Nhóm Statin: Lovastatin, Atorvastatin, Fluvastatin… Nhóm thuốc này không chỉ giảm lưu lượng cholesterol trong máu mà còn giảm lượng chất béo trung tính được tích tụ trong gan.

- Nhóm Fibrate: Gemfibrozil, Clofibrate, Fenofibrat… Chúng giúp tăng khả năng oxy hóa axit béo, tăng tổng hợp enzyme LPL, thúc đẩy đào thải lipoprotein giàu Triglycerid.

Thuốc kháng virus trị men gan cao

Đây là loại thuốc được sử dụng trong trường hợp người bệnh bị viêm gan do virus dẫn tới men gan cao. Loại thuốc này sẽ ngăn chặn sự phát triển và hoạt động của virus. Từ đó giúp giảm men gan.

- Thuốc điều trị viêm gan B: Lamivudine, Adefovir, Telbivudine…

- Thuốc điều trị viêm gan C: Sofosbuvir, Ledipasvir, Daclatasvir…

Viên uống bổ sung vitamin

Một số loại vitamin có thể được chỉ định như một biện pháp bổ sung. Có thể kể đến là vitamin B và vitamin E. Chúng giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, thúc đẩy khả năng tự phục hồi của gan, bảo vệ tế bào gan. Nó cũng giúp loại bỏ tác nhân gây bệnh, ngăn ngừa bệnh diễn biến thành xơ gan, ung thư gan.

Lưu ý dành cho người bệnh

Để quá trình sử dụng thuốc giảm men gan đạt hiệu quả và an toàn, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Người bệnh chỉ sử dụng thuốc khi được bác sĩ kê đơn. Không được tự ý mua thuốc hoặc thay đổi liều lượng. Lạm dụng thuốc có thể dẫn tới các tác dụng phụ không mong muốn.

- Theo dõi sát phản ứng của cơ thể trong quá trình dùng thuốc. Nếu có biểu hiện bất thường hãy thông báo ngay với bác sĩ.

- Kết hợp sử dụng thuốc với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và rèn luyện khoa học. Bổ sung thực phẩm giàu omega-3, chứa nhiều vitamin như: Cá béo, rau lá xanh, quả mọng… Uống đủ nước. Hạn chế thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, rượu bia. Dành ra 30 phút mỗi ngày để tập luyện thể dục nâng cao sức khỏe.

- Tái khám và xét nghiệm lại men gan theo đúng lịch hẹn. Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá được hiệu quả của các loại thuốc đang sử dụng. Nếu không đem lại kết quả như mong đợi, bác sĩ có thể cân nhắc đổi loại thuốc hạ men gan khác.

Thúy Nga