Chữa bệnh không dùng thuốc

Cách ăn cân bằng cholesterol tránh bệnh tim mạch

Cholesterol máu tăng dẫn tới bệnh tim mạch nguy hiểm. Nhưng nếu thiếu
cholesterol

Thực phẩm làm tăng cholesterol.

Thiếu, thừa cholesterol đều gây nhiều bệnh nguy hiểm

Trên thế giới cũng như ở nước ta, các bệnh béo phì, đái tháo đường tim mạch ngày càng phát triển và đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhiều nước. Hầu hết những bệnh tim mạch nguy hiểm nhất, kể cả bệnh tim do mạch vành đều có liên quan đến tình trạng tăng cholesterol trong máu, do đó chỉ nghe nói đến cholesterol nhiều người đã sợ vội vàng kiêng ăn, giảm uống, thậm chí còn uống thuốc giảm mỡ, giảm cân…

Sự thật cholesterol không phải là chất hoàn toàn có hại. Nó là một loại chất béo cần thiết đối với cơ thể với nhiều chức năng, vai trò quan trọng: là thành phần cấu tạo ở màng của cả tỉ tế bào trong cơ thể; thành phần cấu tạo các sợi trục, dây và rễ của hệ thần kinh trung ương lẫn ngoại biên; cholesterol còn là chất tiền thân (precursor) để sinh tổng hợp nên các hormon steroid của tuyến thượng thận và tuyến sinh dục, đây là hai tuyến nội tiết vô cùng quan trọng đảm bảo chức năng sống còn và duy trì nòi giống.

Do đó, thiếu cholesterol chắc chắn cơ thể chúng ta không thể tồn tại và vận hành được, thiếu cholesterol cũng sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm không thua gì tình trạng thừa cholesterol.

Cần biết cách cân bằng

Cholesterol có trong cơ thể chúng ta do hai nguồn gốc, một phần không lớn lắm, khoảng 20% do thức ăn cung cấp; phần quan trọng hơn chiếm tới 80% do gan tạo ra vì gan có khả năng tổng hợp cholesterol từ những chất khác như glucit, protit.

Ở người bình thường hàm lượng cholesterol có trong huyết thanh của máu luôn luôn hằng định, chỉ khi nó tăng lên quá cao mới sinh bệnh. Trường hợp này được gọi là tăng cholesterol máu, nhân dân ta gọi nôm na là “tăng mỡ máu”.

Muốn biết có tăng cholesterol máu hay không phải làm xét nghiệm đầy đủ: cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglycerid. Bình thường thành phần mỡ có trong máu ở tỷ lệ như sau: cholesterol toàn phần dưới 200mg%, LDL cholesterol dưới 130mg%, HDL cholesterol trên 45mg%, triglycerid dưới 160mg%.

Trường hợp bị bệnh cả ba thành phần cholesterol toàn phần, LDL cholesterol và triglycerid đều tăng, riêng HDL cholesterol bị giảm chỉ còn dưới 35mg%. Để giải quyết tình trạng này, điều cơ bản là phải điều chỉnh lại hàm lượng cholesterol trong máu, sao cho tăng loại cholesterol tốt và giảm loại xấu.

Về điều trị, đối với những trường hợp nặng người bệnh thường phải ăn uống kiêng khem kết hợp với dùng thuốc hạ cholesterol máu. Hiện nay y học có nhiều nhóm thuốc hạ cholesterol máu, mỗi nhóm có nhiều loại thuốc mang những tên biệt dươc khác nhau. Việc chọn dùng loại thuốc nào cho thích hợp phải do thầy thuốc chỉ định và theo dõi, vì ngoài tác dụng hạ cholesterol máu thuốc còn có thể gây nhiều tác dụng phụ.

Đối với những trường hợp nhẹ, người bệnh có thể chưa cần dùng thuốc mà chỉ thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho thích hợp cũng có thể giải quyết được. Chế độ điều trị không dùng thuốc này phải do người bệnh tự giác thực hiện theo lời khuyên của thầy thuốc.

Ngoài việc bỏ hẳn thuốc lá (vì thuốc lá góp phần thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch và làm tăng loại cholesterol xấu LDL) và tập thể dục đều đặn hằng ngày, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống sao cho hạ được loại cholesterol có hại trong máu và tăng loại cholesterol tốt. Trong chế độ ăn uống cần chú ý :

– Không ăn uống tẩm bổ nhiều vượt nhu cầu cần thiết của cơ thể, đặc biệt cảnh giác đối với những thức ăn giầu lipid. Năng lượng do lipid cung cấp cho cơ thể ở một nước khí hậu nóng như nước ta chỉ nên vào khoảng 20% so với tổng số năng lượng và không bao giờ vượt quá 30%. Cố tránh không để bị béo phì và thừa cân nặng.

– Giảm ăn những loại mỡ có nhiều axit béo no, thay thế bằng những dầu thực vật có nhiều axit béo không no.

– Giảm lượng cholesterol trong bữa ăn hằng ngày vì nó góp phần làm tăng cholesterol máu và nguy cơ bệnh mạch vành. Cholesterol chỉ có trong thức ăn nguồn gốc động vật, nhất là bầu dục, não, tim, lòng đỏ trứng… do đó hạn chế các thức ăn này cũng góp phần giảm lượng cholesterol trong khẩu phần.

BS  Tuấn Anh (Bệnh viện K)