Y học và đời sống

Các thuốc gây vô sinh nam

Thuốc và các hóa trị liệu có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản qua nhiều cơ chế như tổn hại tế bào mầm, đứt gãy hormon trục dưới đồi – tuyến yên – sinh dục hay ảnh hưởng trên khả năng tình dục: ham muốn, cương dương và xuất tinh…
thuốc

Ảnh minh họa

Các hormon: Diethylstilbestrol (DES) là hoạt chất được kê đơn rộng rãi để chống sảy thai và điều trị rất nhiều các biến chứng lúc mang thai. Con trai của những người mẹ đã dùng DES cho thấy rõ về sự gia tăng tỷ lệ tinh hoàn ẩn, lỗ đái thấp và các bất thường tiết niệu sinh dục khác: nang mào tinh hoàn, suy giảm chức năng sinh tinh.

Kháng androgen và các chất đồng vận LHRH (một loại hormon) được sử dụng cơ bản trong điều trị ung thư tiền liệt tuyến và điều trị các hành vi quá khích ở trẻ vị thành niên, những thuốc này vừa làm giảm ham muốn, vừa giảm quá trình sản xuất tinh trùng qua việc làm teo ống sinh tinh và tác dụng làm tăng hoạt tính estrogen của thuốc.

Testosteron và các androgenic – anabolic steroid (androgen đồng hóa): Testosteron làm tăng khả năng tình dục ở người cả nam và nữ. Chính vì thế nhiều người cứ thấy sinh lý giảm là dùng testosteron, hay muốn có cơ bắp mạnh mẽ cũng sử dụng testosteron. Nhưng sử dụng testosteron và các sản phẩm androgen đồng hóa lại không hề đơn giản, dùng liều cao testosteron kéo dài sẽ làm ức chế quá trình sinh tinh, chính vì thế nhiều người lạm dụng testosteron đã phải trả giá khá đắt cho vấn đề sinh sản.

Các thuốc kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng cho bệnh nhân trong các bệnh nhiễm trùng cũng như trong một số bệnh hệ thống. Các chỉ số tinh trùng của các bệnh nhân trên thường giảm nhiều do hai lý do: thứ nhất tại bản thân chứng bệnh mà họ mắc phải, thứ hai là do tác dụng của thuốc. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các thuốc tetracyclin, erythrommycin, clotrimoxazol và cloroquin làm suy yếu tinh trùng trong ống nghiệm nhưng nồng độ các thuốc trên trong tinh dịch ở trên cơ thể sống thì còn chưa rõ tác dụng gây ảnh hưởng tới tinh trùng. Các thuốc amoxicilin không thấy có dấu hiệu làm tổn hại đến tinh trùng trong khi liều cao ritrofurantoin thì có tác dụng làm kìm nén sự chín muồi của tinh hoàn trên chuột và làm suy yếu khả năng di động của tinh trùng trên người trong ống nghiệm.

Các thuốc điều trị tăng huyết áp: Phần lớn các thuốc này được sử dụng cho người lớn tuổi, thuốc làm ảnh hưởng tới quá trình sinh sản qua cơ chế ảnh hưởng trên chức năng tình dục. Nhóm beta blocker như propanolon, atenolon, metoprolon làm giảm chức năng cương dương. Nhóm thiazid lợi niệu gây rối loạn cương qua cơ chế làm giảm kháng trở mạch từ đó làm giảm lượng máu vào dương vật. Spironolacton gây giảm ham muốn, rối loạn cương và tổn hại đến chất lượng tinh dịch.

Các thuốc tâm thần: Các thuốc tâm thần ảnh hưởng đến sinh sản thông qua cơ chế ức chế chức năng tình dục, các thuốc nhóm chống trầm cảm ba vòng và nhóm thuốc được dùng chữa trầm cảm, tâm thần được lựa chọn để điều trị bệnh lý xuất tinh sớm… có thể làm tổn hại tới các chỉ số tinh trùng.

Các thuốc điều trị ung thư và tia xạ: Phần lớn các hóa chất và thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh ung thư như: ung thư hạch – bạch huyết, hạch, tinh hoàn, xương, máu đều có thể dẫn đến vô sinh vĩnh viễn. Tuy nhiên, độc tính của thuốc trên sinh sản còn phụ thuộc vào liều lượng và thời gian tiếp xúc. Sự phối hợp thuốc có thể giảm mức độ tổn thương tinh trùng non và tế bào Sertoli (tế bào giúp tinh trùng phát triển) từ đó gia tăng cơ hội hồi phục. Tia xạ ảnh hưởng tới tinh hoàn tùy thuộc vào liều lượng tia. Tốt nhất, người trẻ tuổi bị ung thư trước khi điều trị nên trữ lạnh tinh trùng, còn với người đang và đã chữa để tránh dị tật bẩm sinh cho con thì sau hai năm ngừng thuốc mới nên sinh con.

Ngoài ra, các thuốc ức chế PDE5 (một loại men có nhiều ở thể hang dương vật) dùng để chữa rối loạn cương dương cũng ảnh hưởng đôi chút trên sinh sản thông qua việc ức chế khả năng di động của tinh trùng. Các nhóm thuốc kháng histamin, ức chế quá trình sinh tinh bằng cách ức chế việc chế tiết hormon LH dạng xung và làm cản trở việc chuyển tinh trùng qua mào tinh hoàn.

GS.TS Đỗ Trọng Hiếu (Nguyên Vụ trưởng Vụ sức khỏe sinh sản)