Suy thận là gì?
Thận là hai cơ quan nằm sau lưng, hai bên cột sống, ngay phía trên eo. Thận đảm nhận một số chức năng để duy trì sự sống. Thận lọc máu bằng cách loại bỏ chất thải và nước dư thừa, duy trì cân bằng muối và chất điện giải trong máu, giúp điều chỉnh huyết áp.
Suy thận hay tổn thương thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận. Có nhiều nguyên nhân và bệnh lý dẫn đến suy thận.
Về thời gian mắc bệnh, người ta thường chia thành hai nhóm bệnh là suy thận cấp (thuật ngữ chuyên môn gọi là tổn thương thận cấp) và suy thận mạn (thuật ngữ chuyên môn gọi là bệnh thận mạn).
Suy thận cấp diễn ra trong vòng vài ngày và có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận sau khi được điều trị thích hợp trong một vài tuần.
Ngược lại, suy thận mạn là quá trình tiến triển không phục hồi chức năng thận. Các biện pháp điều trị trong suy thận mạn chỉ nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Khi chức năng thận giảm đến 90%, người bệnh bị suy thận nặng và cần được điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.
Hầu hết các loại bệnh thận sẽ làm tổn thương các nephron (một đơn vị cấu trúc của thận). Sự tổn thương này có thể khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không chữa trị, thận cuối cùng có thể ngừng hoạt động hoàn toàn. Mất chức năng thận rất nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong.
Những biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Giữ nước, có thể dẫn đến phù ở tay và chân, tăng huyết áp, phù phổi cấp.
- Tăng kali máu, có thể đe dọa tính mạng.
- Bệnh tim mạch.
- Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương.
- Thiếu máu.
- Giảm ham muốn tình dục hoặc bất lực.
- Tổn thương hệ thần kinh trung ương, có thể gây ra khó tập trung, thay đổi tính cách hoặc co giật.
- Giảm phản ứng miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
Bệnh nhân suy thận cấp phải lọc máu chu kỳ - Ảnh minh họa |
Dấu hiệu cảnh báo sớm suy thận
Ngoài triệu chứng nôn hoặc buồn nôn ngay khi ngủ dậy, dưới đây là những dấu hiệu sớm cảnh báo suy thận mà mọi người cần chú ý:
Sưng mắt cá chân, bàn chân và cẳng chân: Nếu thấy dấu hiệu phù nề tại mắt cá chân, cẳng chân, bàn chân, hãy cẩn thận với bệnh thận. Khi chức năng thận bắt đầu suy giảm sẽ ảnh hưởng tới khả năng loại bỏ chất lỏng và natri dư thừa khỏi cơ thể. Điều này khiến cơ thể bị tích nước và sưng ở cẳng chân, mắt cá chân, bàn chân.
Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi: Những người bị suy thận sẽ thường xuyên có cảm giác mệt mỏi. Triệu chứng này sẽ trở nên trầm trọng hơn khi bệnh đến giai đoạn tiến triển. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức hơn bình thường và không thể thực hiện các hoạt động gắng sức mà cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Sự tích tụ độc tố trong máu do chức năng thận suy giảm chính là nguyên nhân dẫn tới dấu hiệu này.
Chán ăn: Sự tích tụ của các độc tố như urê, creatinin và axit trong cơ thể do chức năng lọc của thận suy giảm có thể khiến người bệnh bị chán ăn. Ngoài ra, khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể có thêm triệu chứng luôn cảm giác có vị kim loại trong miệng. Triệu chứng này cũng có thể làm tăng cảm giác chán ăn ở bệnh nhân.
Da xanh xao, nhợt nhạt: Những bệnh nhân bị suy thận thường bị thiếu máu với các biểu hiện da xanh xao, nhợt nhạt; cơ thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Thiếu máu ở bệnh nhân suy thận là hậu quả của việc suy giảm erythropoietin - một hormone kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu. Thận có chức năng sản sinh ra loại hormone này.
Thay đổi tần suất đi tiểu: Việc đi tiểu ít hoặc tiểu nhiều hơn, đặc biệt vào ban đêm mà không liên quan tới lượng nước tiêu thụ có thể là dấu hiệu cảnh báo các đơn vị lọc của thận đã bị tổn thương, thận bị suy hỏng.
Nước tiểu có máu hoặc có nhiều bọt: Nước tiểu có máu hoặc có nhiều bọt có thể cảnh báo chức năng thận bị tổn thương, các tế bào hồng cầu và protein đang bị rò rỉ vào nước tiểu.
Ngoài suy thận, nước tiểu có máu còn có thể là dấu hiệu của ung thư thận, sỏi thận hoặc nhiễm trùng thận/tiết niệu.
Khô và ngứa da
Da khô và ngứa có thể là dấu hiệu cho thấy thận đang bị suy hỏng nặng nề. Lúc này, độc tố bị tích tụ lại trong cơ thể, dẫn đến ngứa da, khô da.
Ai là người cần tầm soát suy thận?
Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ, những yếu tố nguy cơ của suy thận là:
- Bệnh tiểu đường.
- Bệnh huyết áp cao.
- Tiền sử gia đình có người bị suy thận.
- 60 tuổi trở lên.
- Tiền sử tổn thương thận cấp tính.
Những đối tượng mang các yếu tố nguy cơ này cần tầm soát suy thận định kỳ bằng 2 xét nghiệm đơn giản:
-Xét nghiệm nước tiểu để xác định tỷ lệ albumin/creatinin (ACR) nhằm phát hiện albumin niệu.
- Xét nghiệm creatinin huyết thanh để ước tính chỉ số độ lọc cầu thận (GFR)
Việc tầm soát sẽ giúp phát hiện sớm suy thận để có cách can thiệp kịp thời, bảo tồn chức năng thận cũng như sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
BS Nguyễn Văn Thái (Viện Y học phóng xạ và Ung bướu quân đội)