Theo các chuyên gia, việc loại bỏ hoàn toàn dầu của Nga khỏi nguồn cung toàn cầu có thể đồng nghĩa với một kết cục tồi tệ hơn nhiều.
Cụ thể, chứng khoán tuần vừa qua và dự kiến cả tuần này sẽ đối mặt nguy cơ biến động mạnh. Đi kèm với nó là giá dầu đã tăng hơn 20%.
Theo CNBC, hiện, các nhà đầu tư Mỹ đang tìm kiếm sự an toàn trong trái phiếu, khiến giá tăng cao và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên 1,72%. Tuần qua, đồng USD cũng tăng mạnh 2%.
Tới ngày hôm nay, 7/3, giá dầu thế giới chạm mốc 130 USD/thùng, trong khi dầu WTI cũng vượt 125 USD. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá dầu có thể hạ nhiệt trong thời gian tới.
Không chỉ có dầu, từ kim loại tới ngũ cốc cũng đang tăng giá không ngừng. Đó là lý do các nhà kinh tế đều nâng dự báo lạm phát của họ.
Nguyên nhân là do Nga ngừng bán hoàn toàn 4,3 triệu thùng dầu/ngày cho Mỹ và châu Âu. Điều này sẽ gây ra những tác động vô cùng khủng khiếp, là cú sốc đối với tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà dự báo cho rằng chưa thể xác định nền kinh tế Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước cú sốc này. Nhưng họ nghiêng về lạm phát cao hơn và tăng trưởng thấp hơn.
Dự kiến, cuộc họp ngày 16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất. Tuy nhiên, các quan chức FED không công khai nội dung họ định phát biểu trong cuộc họp sắp tới.
Điều này khiến thị trường khó có thể đoán định FED sẽ tăng lãi suất thế nào dù khả năng tăng 0,5% là rất khó.
Trong khi đó, Dow Jones dẫn dự báo của các nhà kinh tế cho biết lạm phát sẽ tăng lên 7,8% so với cùng kỳ, vượt mức tăng 7,5% của tháng 1. Đây sẽ là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1982.
Các chuyên gia liên tục phát ra những cảnh báo cho các nhà đầu tư. Vì họ cho rằng, trong ngắn hạn, có rất nhiều sự không chắc chắn. Câu hỏi đặt ra là những điều này sẽ dẫn tới đâu?