Lạm phát là yếu tố rủi ro đáng quan tâm nhất đối với triển vọng phục hồi và tăng trưởng của khu vực đồng Euro.
Hiện nay, lạm phát tại các nước EU đang tăng mạnh khi nền kinh tế Eurozone bắt đầu phục hồi sau cú sốc đại dịch. Giá tiêu dùng tại châu Âu tăng cao kỷ lục trong tháng 11, lên tới 4,9%.
Giá thành sản xuất tính đến tháng 10 năm nay cũng tăng tới 21,9%. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ khi đồng Euro được lưu hành cách đây hơn 20 năm, mà nguyên nhân chủ yếu do giá năng lượng tăng đã tới 62,5%.
Trước áp lực này, ECB đã buộc phải điều chỉnh dự báo lạm phát khu vực đồng Euro lên 2,6% năm 2021 và 3,2% năm 2022, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 2%.
Các chuyên gia cũng dự báo, lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập của người dân, sẽ khiến tiêu dùng giảm. Chuyên gia kinh tế Fabio Balboni tại ngân hàng HSBC cho rằng, giá năng lượng tăng cao sẽ làm giảm sức mua của hộ gia đình, khiến GDP có thể giảm 0,5 điểm % trong vài quý tới.
Chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu tại Công ty dịch vụ tài chính Allianz (Đức), bà Katharina Utermöhl cũng nhận định, triển vọng kinh tế của khu vực Eurozone sẽ chững lại theo đà tăng của lạm phát.
Đầu tháng này, ECB đã tuyên bố sẽ ngừng mua trái phiếu ròng vào tháng 3 tới như một phần việc nới lỏng dần chính sách.
Bài toán lúc này mà Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt là phải tìm được sự cân bằng chính sách vĩ mô, cả về tài khóa và tiền tệ, để nền kinh tế khu vực tiếp tục phục hồi mà vẫn có thể kiểm soát được lạm phát.
Tất cả những tác động trên sẽ khiến khu vực Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 4% trong năm tới, thấp hơn một chút so với mức dự báo 4,2% của ECB - các chuyên gia kinh tế dự báo.