Trong nước

Bổ sung hàng loạt đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

  • Tác giả : Mai Loan
Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung hàng loạt bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có cả người lao động được ký hợp đồng 1 tháng trở lên.
Sáng 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định về đăng ký lao động đối với người lao động có việc làm (người có việc làm thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người có việc làm không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) và người thất nghiệp (người lao động không có làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc).
Bo sung hang loat doi tuong tham gia bao hiem that nghiep
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình Luật Việc làm. Ảnh: QH.
Cơ chế đăng ký, điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động được thực hiện theo hướng: Đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin cho người lao động cùng lúc khi nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024; Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người thất nghiệp: Theo cơ chế khuyến khích tự nguyện, khi người lao động có nhu cầu thì nộp hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin lao động qua Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp đến UBND cấp xã nơi ở hiện tại.
Dự thảo Luật mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, bảo đảm thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Bo sung hang loat doi tuong tham gia bao hiem that nghiep-Hinh-2
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: QH.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính khả thi của quy định đăng ký lao động đối với người lao động tự do; sự cần thiết quy định thêm thủ tục đăng ký lao động đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; sự phù hợp khi người sử dụng lao động khai báo thông tin về lao động cho cơ quan bảo hiểm xã hội và rà soát, loại bỏ những quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký lao động thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong dự thảo Luật.

Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá cụ thể, làm rõ tác động tài chính của việc xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động; tính liên thông, lộ trình thực hiện liên thông với các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến lao động, việc làm. Đồng thời, cần phân định thẩm quyền và phạm vi thu thập, tổng hợp, quản lý thông tin về lao động giữa ngành Lao động - thương binh và xã hội với cơ quan thống kê cũng như làm rõ thời hạn công bố, phổ biến kết quả thu thập, phân tích, dự báo thông tin về thị trường lao động.

Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp và có các giải pháp bảo đảm tính khả thi, khắc phục các hạn chế hiện nay trong tổ chức thực hiện.

Mai Loan