Chữa bệnh không dùng thuốc

Bổ sung dinh dưỡng chữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

  • Tác giả : PGS.TS Trương Hồng Sơn
(khoahocdoisong.vn) - Bổ sung dinh dưỡng đã được chứng minh có hiệu quả để duy trì và cải thiện sức mạnh cơ cũng như tăng khả năng thở ở những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Dinh dưỡng cũng được cho là một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được trong quá trình phát triển và tiến triển của bệnh.

3 triệu người tử vong mỗi năm do COPD

Các bệnh hô hấp mạn tính phổ biến nhất hiện nay bao gồm COPD và hen suyễn. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới mỗi năm có hơn 3 triệu người tử vong do bệnh COPD, chiếm khoảng 6% tổng số trường hợp tử vong vì tất cả các nguyên nhân. Trong số đó hơn 90% số trường hợp tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

COPD là bệnh lý hô hấp mãn tính được đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn, sự cản trở thông tin thông khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các phân tử hoặc khí độc hại.

 Bổ sung dinh dưỡng đã được chứng minh là có hiệu quả để duy trì và cải thiện sức mạnh cơ cũng như tăng khả năng luyện tập thể thao ở những bệnh nhân mắc bệnh COPD có tình trạng dinh dưỡng kém. Dinh dưỡng cũng được cho là yếu tố có nguy cơ có thể thay đổi được trong quá trình phát triển và tiến triển bệnh phổi mãn tính.

Nhiều rau quả, vitamin và protein

Trái cây và rau xanh được chứng minh là có hiệu quả trong các bệnh đường hô hấp cấp tính và mãn tính vì chứa nhiều chất chống oxy hóa, khoáng chất, vitamin, flavonoid, các hóa chất thực vật và chất xơ. Các axit béo omega 3 không bão hòa đa (FUFA) đã được chứng minh có hiệu quả giảm viêm và có thể có ích cho các bệnh viêm mãn tính như COPD cũng như sẽ giúp ích cho những người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém.

Người bệnh COPD thường có lượng vitamin D huyết thanh thấp và sự thiếu hụt này có liên quan đến sự tiến triển của bệnh COPD. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh có mối liên quan giữa việc bổ sung vitamin D và giảm mức độ COPD. Nguyên nhân có thể là do vitamin có khả năng điều hòa miễn dịch cũng như giúp làm giảm tình trạng yếu cơ. Vitamin C và vitamin E cũng có một vai trò trong việc làm giảm các triệu chứng bệnh COPD.

Với những người bị bệnh COPD, khuyến nghị về chế độ ăn bao gồm nhiều nhiều bữa nhỏ, giàu dinh dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cơ bản của cơ thể và giữ ổn định cân nặng, nghỉ ngơi trước khi ăn và uống vitamin tổng hợp hàng ngày.

Ngoài ra, người bệnh COPD cần bổ sung thêm nhiều bột protein vào chế độ ăn đặc biệt là protein từ thịt cá trứng thịt gia cầm các loại đậu và các chế phẩm từ sữa để đảm bảo duy trì cân nặng, tránh tình trạng thiếu cân sẽ đồng nghĩa với việc các cơ được sử dụng cho hít thở sẽ yếu và gây khó thở.

Cần uống đủ nước vì nước sẽ làm loãng dịch nhầy đường hô hấp và làm sạch dịch tiết ở phổi người bệnh hô hấp mãn tính nên uống 8 đến 12 ly nước không chứa cafein mỗi ngày. Giảm lượng muối ăn trong chế độ ăn để giảm hiện tượng tích tụ dịch trong hệ hô hấp cũng như giúp giảm huyết áp và giảm triệu chứng khó thở. Tránh ăn các loại thực phẩm chứa nhiều hơn 1.400 mg muối trên một khẩu phần, ví dụ như thịt xông khói, thịt đóng hộp ...

PGS.TS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện nghiên viện y học lâm sàng Việt Nam)

PGS.TS Trương Hồng Sơn