Chữa bệnh không dùng thuốc

Bài tập tốt cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

  • Tác giả : Điều dưỡng Nguyễn Tuệ Minh- Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện TWQĐ 108.
(khoahocdoisong.vn) - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu thế giới cũng như ở nước ta.

Gánh nặng BPTNMT tiếp tục gia tăng trong những thập kỉ tới do gia tăng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh và tuổi thọ ngày một cao hơn. Tuy việc chữa trị bệnh gặp nhiều khó khăn và tốn kém nhưng bệnh có thể dự phòng và điều trị được.

Việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc BPTNMT  giúp bệnh nhân khai thông đường thở, giảm triệu chứng khó thở, giảm tần suất đợt cấp, tăng chất lượng cuộc sống và kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Vì vậy, việc điều dưỡng hướng dẫn và giúp bệnh nhân trong thực hành phục hồi chức năng ở những bệnh nhân này là một trong những biện pháp không dùng thuốc quan trọng trong điều trị cho bệnh nhân BPTNMT.

Chăm sóc điều trị bệnh nhân mắc BPTNMT thì một trong những biện pháp phục hồi chức năng đơn giản làm cho bệnh nhân dễ khạc đờm, giảm khó thở là biện pháp “ Ho có hiệu quả”. Người bệnh có thể tự làm theo các bước sau:

Bước 1: Người bệnh ngồi trên giường hoặc ghế với hai chân chạm đất, người hơi ngả về phía trước với tinh thần  thư giãn, thoải mái.

Bước 2: Hít thở sâu bằng cơ hoành 3-4 lần (thở bụng) .

Bước 3: Khoanh hai tay trước bụng và hít vào chậm và thật sâu bằng mũi, nín thở trong 3 giây.

Bước 4: Để thở ra: ngả người về phía trước, hai tay ép vào bụng. Ho mạnh 2 lần với miệng hơi mở, lần đầu để long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài.

Bước 5: Hít vào chậm và nhẹ nhàng bằng mũi. Động tác này sẽ giúp ngăn ngừa đờm di chuyển ngược lại vào đường hô hấp.

Nghỉ ngơi vài phút và thực hiện lại các bước  như trên nếu cần.

Để tăng cường sức cơ hô hấp và người bệnh có thể thích nghi với gắng sức thì bệnh nhân nên tập thở cơ hoành, cách làm như sau:

Đặt một bàn tay vào bụng bệnh nhân (ngay dưới bờ sườn) bàn tay kia đặt vào giữa lồng ngực: Hít vào chậm và sâu qua mũi và thở bụng sao cho bụng  căng phồng  ra càng nhiều càng tốt. Khi thở ra qua miệng  thì mím môi và  bụng lép lại, bàn tay đặt lên bụng đè nhẹ vào phía trong và lên trên khi thở ra.
 Bệnh nhân có thể làm nhiều lần trong khoảng từ 2-5 phút, tiến hành vài lần trong một  ngày (trước bữa ăn và trước khi ngủ).

Với mục tiêu tăng khả năng trao đổi khí ở phổi chúng ta có thể hướng dẫn bệnh nhân “Thở ra chúm môi”.
 Cách tiến hành: Người bệnh hít vào qua mũi trong khi đếm đến 3, sau đó thở ra chậm qua đường miệng môi mím,khi thở ra cơ bụng co lại. Thở ra chậm và cố  kéo dài qua môi mím trong khi đếm đến 7.

Hằng ngày, bệnh nhân thường phải phối hợp  các kỹ thuật trên nhiều lần. Ngoài ra, cần phối hợp với các biện pháp khác như  đi bộ, làm việc nhẹ nhàng, tự luyện tập tăng dần và nghỉ khi thấy mệt hoặc khó thở quá mức chịu đựng. Bệnh nhân cần uống nhiều nước, tránh bụi khói, tuyệt đối bỏ hút thuốc lá và ăn nhiều hoa quả tươi chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào kết quả điều trị lâu dài của BPTNMT.

Điều dưỡng Nguyễn Tuệ Minh- Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện TWQĐ 108.