Giáo dục

Bỏ quên trẻ trên xe đưa đón học sinh khác việc cha mẹ bỏ quên con trên xe thế nào?

  • Tác giả : Cát Cát
(khoahocdoisong.vn) - Trong cả hai vụ việc bỏ quên trẻ trên xe ô tô đưa đón học sinh ở trường Gateway và trường Đồ Rê Mí, lỗi do quy trình lỏng lẻo đã quá rõ. Nó khác với việc cha mẹ bỏ quên con trên xe gia đình do lỗi trí nhớ.

Cha mẹ bỏ quên trẻ trên xe do bộ nhớ

Thống kê cho thấy, việc bỏ quên con trên xe trên thế giới không phải là hiếm. Theo tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì sự an toàn của trẻ em KidsAndCars.org cho biết, mỗi năm, số trẻ chết vì nóng, ngạt do bị bỏ quên trong xe hơi trung bình khoảng từ 30-50 em.

Hiện tượng này thậm chí đã được định nghĩa thành một hội chứng là hội chứng quên trẻ em "Forgotten Baby Syndrome" (FBS). Theo bà Amber Rollins, giám đốc tổ chức KidsAndCars.org, hội chứng này có thể xảy ra với bất cứ ai, ngay cả với các bậc cha mẹ mẫu mực nhất.

Nghiên cứu kéo dài hơn 10 năm, mới công bố tháng 3/2019 của giáo sư tâm lý học David Diamond (Đại học Nam Florida, Mỹ) cho thấy, lý do cha mẹ quên con trong xe, đó là sự thất bại của hệ thống bộ nhớ.

Theo đó, não có một hệ thống gọi là "bộ nhớ dự định", liên quan đến việc ghi nhớ để thực hiện một hành động mới phát sinh, ngoài lịch trình thông thường.

Ngoài ra não còn có "bộ nhớ thói quen" được lập trình như một chế độ lái tự động, cho phép ta có thể đi tới đích mà không cần rõ làm thế nào tới được đích.

Khi "bộ nhớ dự định" không hoạt động, cha mẹ sẽ bỏ quên trẻ trên xe hơi. Thay vào đó, bộ nhớ thói quen đã chiếm ưu thế. Khi đó, bất kể mục đích ban đầu là gì, người ta vẫn sẽ thực hiện mọi việc theo lộ trình quen thuộc.

Điều này giống hệt như khi bạn đặt một cốc cà phê trên nóc xe, rồi ngồi vào xe, quên bẵng việc lấy cốc cà phê xuống, bạn đóng cửa, nổ máy lao đi và chiếc cốc rơi xuống.

Sự thất bại của bộ nhớ có nhiều yếu tố tác động như căng thẳng, đa nhiệm hay thiếu ngủ. Thêm vào đó, theo Diamond, việc không có lời nhắc bằng hình ảnh hoặc lời nói, như đứa trẻ im lặng ngủ ở ghế sau, làm tăng khả năng lãng quên.

Nghiên cứu của Diamond cũng xem xét vai trò của những ký ức sai lầm trong trường hợp trẻ bị bỏ lại trong xe hơi. Trong những trường hợp đó, não của cha mẹ có thể đã tạo ra một ký ức sai, có lẽ dựa trên một hoạt động theo thói quen. Vì vậy, nếu một đứa trẻ thường được chăm sóc ở nhà, thì hôm đó, cha mẹ có thể quên rằng vào hôm nay cần đưa con tới trường.

Bỏ quên trẻ trên xe đưa đón học sinh do quy trình quản lý lỏng lẻo

Trong vụ việc cháu bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe ở trường Đồ Rê Mí (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), theo lời kể của ông Nguyễn Công Tỵ, phụ trách lái xe ô tô đưa đón trẻ và cũng là chồng của chủ nhóm trẻ tư thục, việc ông bỏ quên trẻ trên xe đưa đón học sinh do nhiều việc, vội quá, không kiểm soát được.

"Ngày hôm đó, tôi đón trẻ như thường lệ. Về đến trường, tôi cùng các cô giáo đưa trẻ lên. Nhưng do bé ngủ ở hàng ghế dưới cùng nên tôi không phát hiện ra. Cũng vì tôi nhiều việc quá, vội quá nên không kiểm soát được. Chứ tôi cũng biết tới sự vụ diễn ra trước đó ở Hà Nội để kiểm tra hàng ngày", ông Tỵ kể.

Sau khi đón trẻ xong, ông Tỵ đánh xe lên gần sát gốc cây và mở hé cửa kính của xe rồi đi vào làm việc riêng. Đến khoảng hơn 15h, theo thói quen thường ngày ông ra mở cửa để xe bớt nóng để học sinh khi lên được mát, thì phát hiện ra cháu bị như thế.

Ông Tỵ cho biết, quy trình đưa đón trẻ của cơ sở là khi trẻ được đưa đến, các cô giáo sẽ xuống đón lên lớp và ông sẽ kiểm tra xe.

Còn trong vụ việc cháu bé L.H.L tử vong nghi bị bỏ quên trên xe ở trường Gateway, Bà Quy thừa nhận, lúc xuống xe, bà có bế một cháu và dắt tay một cháu đang khóc nên không kiểm đếm kỹ các cháu khi xuống xe.

Khi đưa các cháu lên phòng ăn tầng 2 thì bà xuống tầng 1 để ký vào sổ bàn giao đủ 13 cháu, mặc dù thực tế chỉ có 12 cháu.

Trong bản tường trình của Trường Gateway ngay khi sự việc xảy ra có viết: “Buổi sáng, giáo viên chủ nhiệm thấy học sinh vắng mặt khi điểm danh đã báo tới hệ thống quản trị của nhà trường”.

Tuy nhiên, thông tin từ gia đình bé L.H.L, bố mẹ cháu bé không hề nhận được cuộc gọi hay tin nhắn nào báo về từ hệ thống của Trường Gateway.

Như vậy, có thể thấy, trong cả hai vụ việc bỏ quên trẻ trên xe ô tô ở trường nói trên, nguyên do dẫn tới bỏ quên trẻ không phải liên quan đến sự “thất bại bộ nhớ”, mà là một quy trình đưa đón học sinh lỏng lẻo, sự tắc trách của những người liên quan.

Quy trình của Trường Đồ Rê Mí không hề có sự kiểm đếm, bàn giao giữa người phụ trách đưa đón trẻ và cô giáo nhận trẻ. Cô giáo khi thấy học sinh vắng mặt không lý do cũng không hề báo về cho gia đình.

Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết: Năm nay trường Gateway mới có phần mềm (quản lý học sinh bằng hệ thống) nên cũng chưa có người theo sát, vận hành.

Điều dư luận quan tâm, là cần tìm ra gốc rễ nguyên nhân của sự việc, từ việc rà soát lại toàn bộ quy trình xe đưa đón trẻ ở tất cả các trường, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của những người liên quan… để tương lai, không xảy ra một vụ việc đau lòng giống như ở trường Gateway nữa.

Nếu không, những thông tin thống kê việc trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô cho thấy là sự phổ biến trên thế giới, rằng ngay cả cha mẹ tốt cũng bỏ quên con trên xe ô tô… do liên quan tới vấn đề trí nhớ… dù là cảnh báo có ích vẫn dễ gây nên những phản ứng tiêu cực từ phía dư luận vì cho rằng nó làm “che mờ” bản chất vụ việc đang điều tra.

Sau vụ học sinh Trường tiểu học Gatewway tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các trường học trên toàn quốc “siết” dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô. Mới đây, sau vụ việc trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô ở Bắc Ninh, một loạt các địa phương cũng tiếp tục có các chỉ đạo về vấn đề này như TPHCM, Đà Nẵng…
Cát Cát