Sau khi xăm, vấn đề thường gặp nhất là nhiễm trùng tại chỗ xăm, gây sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn, tụ mủ hoặc xăm hỏng, lệch, gây sẹo vĩnh viễn… Nhiễm trùng có thể do vi khuẩn như tụ cầu vàng diễn ra cao nhất trong 3 tuần đầu sau khi xăm.
Nguy cơ tiếp theo là dị ứng với những chất trong mực xăm. Màu của mực xăm được tạo nên từ nhiều chất liệu. Mỗi người lại có thể bị dị ứng với những chất liệu khác nhau. Nếu ở mức độ nhẹ, có thể bị ngứa, lên ban tại chỗ, thậm chí đã ghi nhận trường hợp bị sốc.
Biến chứng khi xăm môi |
Quá trình phun xăm, nếu không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, không thay kim trong quá trình phun xăm, có thể lây truyền các bệnh nguy hiểm như HIV, HPV, viêm gan B,C... Ngoài ra, có một số loại nhiễm trùng khác như lao thậm chí là phong. Có những báo cáo ghi nhận mắc phong sau nhiều năm xăm.
Biến chứng nặng nhất khi phun xăm là sốc thuốc tiêm, phản ứng với thuốc tê… Nguyên nhân thường do quá trình ủ tê mất nhiều thời gian, nhiều cơ sở đã tiêm thuốc tê để tiến hành nhanh hơn.
Để tránh các biến chứng, cần thực hiện xăm ở cơ sở uy tín. Với người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch hoặc đái tháo đường, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân sử dụng thuốc ứng chế miễn dịch.. cần cân nhắc khi xăm. Người có tiền sử dị ứng, bị viêm da cơ địa, bị nhiễm trùng, tấy đỏ vùng môi đặc biệt bị herpes (mụn rộp) ở môi không nên xăm.
Sau khi xăm cần theo dõi những biến đổi tại vùng da. Nếu da bị tấy đỏ, có mủ, đau nhức cần tìm đến cơ sở y tế chuyên khoa về da liễu để khám và xét nghiệm tìm ra phương pháp điều trị. Không nên để tình trạng nặng mới đến bệnh viện vì khi đó việc điều trị sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian.
BSCKI Đỗ Thiện Trung (Phó trưởng Khoa laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương)