Bà Ngô Thúy Minh (áo đen) và hai bà cháu người bạn.
Vui vì thấy mình có ích
Căn phòng của bà Minh ở trên gác ba rất nhỏ, chỉ chừng mấy mét vuông, một cái ghế dài vừa làm nơi tiếp khách vừa là giường, mọi vật dụng đều được sắp đặt trong tầm tay để dễ lấy. Bởi bà Minh bị tai biến 3 lần, một bên tay phải bị liệt, chân đi lại cũng khó, nên hàng ngày bà cũng chỉ loanh quanh trong bốn bức tường.
Bà kể, lúc mới bị tai biến, phải nằm một chỗ, cũng bi quan lắm vì ốm yếu, đến những việc đơn giản nhất cũng không tự làm được. Nhiều người đến thăm còn bảo, phải biết chấp nhận thôi chứ không làm gì được nữa. Nhưng bà rất quyết tâm tập luyện để ít nhất có thể tự đi lại được.
Sau đợt điều trị bằng châm cứu, hằng ngày, buổi sáng cũng như buổi chiều, ông cứ lau tay vịn cầu thang để bà bám vào tập đi. Ngày nào cũng kiên trì tập đi như thế, chỉ có lần cầu thang mà mệt vã mồ hôi. Đến nay bà đã phục hồi khá tốt, có thể tự đi lại trong nhà được.
Bà bảo, được như ngày hôm nay là nhờ được Trời Phật phù hộ, chứ nếu phải nằm bẹp một chỗ thì còn khổ nữa. Vì thế tâm niệm của bà là còn chút sức lực nào thì phải cố gắng làm việc thiện. Hơn nữa, phải nghĩ việc ra để làm, nếu không ngày ngày loanh quanh trong căn phòng nhỏ này rồi cứ nghĩ đến bệnh tật, có khi còn ốm thêm.
Người khác mạnh tay khỏe chân thì làm những việc to lớn, còn bà già yếu cũng cố gắng làm việc gì vừa với sức mình. Thế là bà nhờ con chở lên phố để chọn len đan mũ cho trẻ em miền núi. Kể ra thì nhờ con mua len cho cũng được, nhưng bà muốn chính tay mình được đi chọn vì đan cho trẻ con mỗi độ tuổi lại một màu khác nhau.
Cứ lặng lẽ, cặm cụi như thế, với một bên tay phải bị liệt, vậy mà năm 2017 bà đã đan được 70 chiếc mũ len. Khi đã được kha khá, bà gọi điện cho bên hội Chữ thập đỏ của phường nhờ họ chuyển đến cho các cháu ở miền núi, nơi nào khó khăn, thiếu thốn và rét nhất.
Các anh các chị đi trao quà, còn chụp ảnh mang về để bà xem. Được nhìn thấy những đứa trẻ nghèo đội chiếc mũ len do tay mình đan, với bà quả là hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ bởi sự cho đi, mà còn bởi thấy mình vẫn còn có ích, vẫn còn làm được những việc thiện cho đời.
Bạn bè là nguồn vui
Ngồi với bà một lúc, đã thấy có một bà bạn dắt cháu sang chơi. Bà giới thiệu, đây là hàng xóm cũ, giờ bác ấy đã chuyển về dưới Khâm Thiên, thỉnh thoảng rảnh rỗi vẫn qua chơi.
Ngồi với nhau, nhiều lúc chuyện trò cũng nhớ nhớ quên quên, nhưng chỉ cần được nhìn thấy nhau là đã thấy vui. Nghe họ nói chuyện, hỏi thăm nhau từ những việc nhỏ nhất, nhắc nhau từng kỷ niệm xa xưa, thấy họ thật hiểu nhau, thân thiết, gắn bó.
Bà Minh chia sẻ, của cải vật chất không quan trọng bằng tình cảm. Nhất là những lúc ốm đau, bệnh tật, khi về già, bạn bè không chỉ là nguồn vui, nguồn an ủi mà còn là thước đo lòng tốt, sự tử tế. Muốn có được những người bạn tri kỷ lúc về già như thế này, thì khi còn trẻ hãy phải biết sống tốt với mọi người, chân thành với bạn bè.
Trong gia đình cũng vậy, nhà cao cửa rộng thì cũng chẳng ở hết được, của ngon vật lạ cũng không ăn được, nên với bà, sự quan tâm của chồng con, các cháu dù rất nhỏ, một cốc nước đưa đến tận tay, một bàn tay của người thân đỡ lúc tập đi, một vòng tay ôm của mấy đứa cháu… mới là thứ sưởi ấm lòng người. Gia đình hòa thuận, êm ấm, mọi người tôn trọng nhau là tài sản vô giá.
Còn ốm đau, bệnh tật ai cũng đều phải trải qua. Mình bị như thế này vẫn còn may mắn hơn khối người. Vì vậy phải năng làm việc thiện để được hưởng phúc và để phúc cho con cháu.
Bảo Anh