GIỚI TÍNH

Bệnh lậu ảnh hưởng đến thai nhi thế nào?

  • Tác giả : Thúy Nga
Phụ nữ có thai khi mắc bệnh lậu, sẽ dẫn đến viêm nhiễm đường sinh dục, gây tác động xấu đến thai nhi. Đặc biệt, em bé sẽ bị nhiễm vi khuẩn lậu nếu được sinh ra bằng đường tự nhiên.

Điều đáng nói, nhiều bà mẹ có con mắc bệnh lậu đều ngạc nhiên vì nguồn lây lại chính từ mình do quá trình mang thai không có biểu hiện triệu chứng và không được sàng lọc đầy đủ.

ThS.BS Trịnh Minh Trang, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, bệnh viện Da liễu TƯ cho biết, bệnh lậu (Gonorrhea) là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Bệnh do song cầu khuẩn gram âm có tên là Neisseria gonorrhoeae gây nên. Bệnh có biểu hiện chủ yếu ở bộ phận sinh dục, nhưng cũng có thể ở các vị trí khác như họng, hậu môn, mắt.

Phụ nữ mang thai khi bị mắc bệnh lậu, vi khuẩn lậu sẽ gây viêm nhiễm đường sinh dục dưới như: viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm màng ối tác động lên thai. Em bé sẽ bị nhiễm vi khuẩn lậu trong lúc sinh đặc biệt là khi sinh qua âm đạo.

Khác với nam giới, triệu chứng bị bệnh lậu ở nữ giới thường âm thầm, không rõ ràng. Một số triệu chứng có thể gặp như: lỗ tiểu sưng đỏ, đau rát, tiết dịch nhiều hơn, dịch có màu trắng hoặc vàng nhạt, đau âm ỉ vùng bụng dưới….

Đặc biệt, lây nhiễm bệnh lậu trước khi có thai thì nguy cơ bị viêm vòi trứng có thể xảy ra trong 3 tháng đầu và biểu hiện lâm sàng giống như người không mang thai.

Nếu bà bầu mắc bệnh lậu không được điều trị thì khi sinh nở có thể gây ra những biến chứng đe dọa sinh mạng em bé và nếu mắc bệnh lậu trước khi mang thai không được điều trị có thể dẫn đến bệnh viêm tiểu khung và bệnh này là yếu tố nguy cơ của mang thai ngoài tử cung.

Bệnh lậu ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Bệnh lậu ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Đặc biệt, những mối nguy hiểm của bệnh lậu đến thai kỳ bao gồm:

- Bệnh lậu chiếm 8% nguy cơ gây sinh non với các biểu hiện viêm màng ối, gây vỡ ối.

- Thai nhi sẽ bị lây nhiễm vi khuẩn lậu trong quá trình sinh bằng đường âm đạo, trong đó lậu mắt ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu rất điển hình, thường xuất hiện rầm rộ trong 1-2 ngày sau sinh.

Biểu hiện là đỏ mắt, xuất tiết, chảy nhiều dịch mủ màu vàng, một số vùng trên bờ mi dịch khô đi, đóng vảy tiết, biến chứng của bệnh thường giảm thị lực và có thể dẫn đến mù mắt.

Vì vậy, các chuyên gia y tế đều khuyên:

- Phụ nữ cần điều trị khỏi bệnh lậu để tránh khỏi nguy hiểm trong lúc mang thai cũng như quá trình sinh nở.

- Cần phải sàng lọc trước sinh các bệnh lây truyền qua đường tình dục vì ở một số bệnh như bệnh lậu, giang mai,..triệu chứng ở nữ giới có thể không rõ ràng nên khó phát hiện bệnh.

- Bệnh lậu có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu điều trị đúng thuốc và đúng thời điểm. Do đó, nếu nghi ngờ mình mắc bệnh hãy đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa và điều trị bệnh lậu trong thai kỳ

• Phụ nữ mang thai đều cần làm xét nghiệm tầm soát ngay từ lần khám thai đầu tiên và lần nữa vào 3 tháng cuối.

• Phòng chống bệnh lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Sử dụng bao cao su cho nam là cách tốt nhất nhưng phải dùng đúng cách, có thể dùng bao cao su cho nữ nhưng không dùng đồng thời cả hai.

• Sử dụng thuốc theo chỉ thị của bác sĩ, điều trị nhiễm khuẩn lậu thuộc dòng kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ mới: ceftriaxon, cefixim. Không nên sử dụng nhóm thuốc kháng sinh nhóm tetracyclin, aminozit và nhóm quinolon vì chúng tác dụng xấu lên sự phát triển của thai nhi.

• Kết hợp thuốc đặt tại chỗ ở âm đạo như neotergynan, colposeptin đối với trường hợp viêm âm đạo và viêm cổ tử cung khi tuổi thai từ 15 tuần trở đi.

• Đối với trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc mắt, điều trị rửa mắt bằng nước muối sinh lý từ 6 - 8 lần trong ngày, dùng thuốc nhỏ mắt mỡ erythromycin 0,5% kết hợp dùng thuốc kháng sinh toàn thân như ceftriaxon tiêm bắp.

• Khám thai đúng theo định kỳ, theo lời hẹn tái khám của bác sĩ Sản khoa, điều trị kịp thời và tích cực đối với thai phụ bị nhiễm lậu.

Thúy Nga